1,117

Quá trình hình thành

LTS: Trên 20 năm qua Đảng Dân Chủ Đa Nguyên vẫn luôn trung thành với ba giá trị nền tảng Dân chủ Đa Nguyên, Hòa Giải Hòa Hợp Dân Tộc và Bất Bạo Động. Nhưng gần đây trong tổ chức đã có người khẳng định tuyên bố “Đa nguyên hay đối lập chỉ có ý nghĩa và cần thiết trên phạm vi quốc gia. Trong một tổ chức chỉ có nhất nguyên chứ không thể có đa nguyên”. Vì muốn bảo vệ ba giá trị cốt lõi của tổ chức, chúng tôi đã phải lấy quyết định không đồng hành với những ai ủng hộ lời tuyên bố trên. Chúng tôi xin gởi đến quý độc giả một tài liệu ghi lại theo thứ tự thời gian những bước đi của tổ chức trong nỗ lực tìm kiếm những giải pháp để đưa đất nước vào kỷ nguyên dân chủ đa nguyên, hòa nhịp với đà tiến của thế giới, mưu cầu hạnh phúc cho người Việt Nam. Đảng Dân Chủ Đa Nguyên

Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên được hình thành do sự kết hợp của nhiều người và nhiều nhóm, đặc biệt là hai nhóm: Thông Luận – hậu thân nhóm thảo luận Cơ Sở Tư Tưởng – và Lực Lượng Thanh Niên Việt Nam Tự Do Âu Châu. Trong bài viết này chúng tôi sẽ trình bày những diễn tiến của tiến trình hình thành Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên từ lúc khởi đầu cho đến năm 2016.

I. Việc hình thành nhóm thảo luận về hướng đi cho Việt Nam đưa đến tài liệu Cơ Sở Tư Tưởng

Vào cuối năm 1982 tại Paris, một số những anh em – cùng chí hướng – đã họp với nhau để bàn về tình hình đất nước và có ý lập một nhóm thảo luận chính trị kiểu thinktank, chứ không có ý định lập đảng. Nhóm này đã họp vào tối thứ năm, hai tuần một lần, nên trong bài viết này chúng tôi tạm gọi là nhóm thảo luận Cơ Sở Tư Tưởng. Tất cả đều thấy rằng trước tình trạng bế tắc của đất nước, cần phải có đường hướng, nguyên tắc và chủ trương nhất định để hướng dẫn nhóm đi vào những cuộc thảo luận sâu rộng về mọi mặt của quốc gia như kinh tế, xã hội, chính trị, quốc phòng, giáo dục v.v…

Không kể một vài tháng đầu tìm cách quy tụ người, có thể nói những ngưởi khởi xướng chính thức ngồi lại với nhau thảo luận về vấn đề Việt Nam gồm các ông: Nguyễn Gia Kiểng, Trần Thanh Hiệp, Dương Kích Nhưỡng, Nguyễn Trọng Kha, Nguyễn Văn Lộc, Vũ Tiến Vượng, Phạm Ngọc Lân và bà Quản Mỹ Lan. Ngoài ra, còn một số người khác, trong đó có hai anh em ông Chu Vũ Hoan và Chu Vũ Ca, nhưng chỉ vài ba tháng sau họ thấy không thích hợp với tinh thần thảo luận của nhóm nên đã rút lui.

Nhóm khởi xướng thảo luận như vậy trong gần 2 năm. Và ông Kiểng đã ghi chép lại những gì anh em đã bàn luận. Bản viết tay đó lại được nhóm mổ xẻ, sửa chữa, góp ý và cuối cùng ông Nguyễn Gia Kiểng đã đúc kết và chấp bút tài liệu này, mang tên là Cơ Sở Tư Tưởng.

Anh em trong nhóm đưa ra ba khái niệm chính về một nước Việt Nam, muốn được ổn định để phát triển, thoát khỏi nghèo đói và tụt hậu là:

1. Việt Nam sẽ là một nước với thể chế Dân Chủ Đa Nguyên, nơi tiếng nói của mọi cộng đồng dân tộc đều phải được lắng nghe;

2. Để tiến tới một nước Việt Nam Dân Chủ Đa Nguyên trước hết nhà nước Việt Nam phải xóa bỏ mọi yếu tố gây chia rẽ và thực tâm thi hành chính sách Hòa Giải để Hòa Hợp Dân Tộc hầu đưa đất nước tiến lên;

3. Để hướng tới 2 mục tiêu trên, chúng ta cần đấu tranh trong tinh thần bất bạo động vì máu người Việt Nam đã đổ nhiều rồi nên chúng ta không có quyền đòi hỏi người dân phải hy sinh tánh mạng nữa mà cần phải đấu tranh bằng chính trị, bằng tư tưởng.

II. Lực Lượng Thanh Niên Việt Nam Tự Do Âu Châu

Vào năm 1981, khi Lực Lượng Thanh Niên Việt Nam Tự Do Âu Châu sinh hoạt ở Strasbourg, một số thành viên trong nhóm đã đi thăm Quốc hội Âu Châu. Trong dịp này, ông Nguyễn Văn Thế đã thấy một tờ giấy giới thiệu (flyer) với tựa đề L’unité dans la différence (Đồng nhất trong sự khác biệt). Trong tờ giấy giới thiệu này, có nói về khái niệm Đa nguyên (Pluralisme).

Từ ý tưởng này, vào năm 1982, nhóm Lực Lượng Thanh Niên Việt Nam Tự Do Âu Châu đã thảo luận về tinh thần Đa Nguyên trong dân chủ trong kì sinh hoạt học tập “Tìm một tư tưởng và hướng đi mới cho Lực Lượng” ở Lausanne – Thuỵ Sĩ. Đồng thời anh em nhóm Lực Lượng đã chấp nhận tinh thần đa nguyên trong dân chủ là nền tảng cơ sở của tổ chức. Từ đó, các thành viên Lực Lượng Thanh Niên Việt Nam Tự Do Âu Châu đã thảo luận về đề tài “Làm thế nào để áp dụng tính đa nguyên vào thực tế của cuộc sống và trong sinh hoạt dân chủ”. Trong nhiều kì sinh hoạt học tập sau đó, các thành viên Lực Lượng Thanh Niên Việt Nam Tự Do Âu Châu đã bàn về thuyết âm dương, phép biện chứng của Hegel và Karl Marx cũng như những diễn biến xảy ra trên thực tế của các nước dân chủ Tây và Bắc Âu và cuối cùng đã đi đến bốn kết luận cho việc áp dụng tính đa nguyên của dân chủ vào thực tế: một là tôn trọng và chấp nhận các khác biệt, dù có thể rất đối kháng nhau, cũng là chuyện bình thường của cuộc sống và là động lực làm cho xã hội phát triển; hai là vì lợi ích tập thể, trong đó có lợi ích cá nhân của mỗi người cho nên dù khác biệt thế nào đi nữa, chúng ta vẫn phải hợp tác với nhau để làm việc chung. Vì hợp tác chính là sức mạnh của xã hội dân chủ đa nguyên, giúp xã hội tồn tại và phát triển; ba là để có sự hợp tác giúp tập thể tồn tại và phát triển, chúng ta phải đối thoại và thảo luận để tìm ra những khác biệt của nhau với mong muốn có thể dung hoà và thoả hiệp; bốn là trong xã hội, theo dân chủ đa nguyên, luôn luôn có mâu thuẫn, vì vậy hoà giải là một bắt buộc để có thể hợp tác và làm việc chung với nhau.

Đồng thời trong kì sinh hoạt học tập này, Lực Lượng Thanh Niên Việt Nam Tự Do Âu Châu cũng chấp nhận phương pháp tranh đấu bất bạo động là phương pháp mà Lực Lượng sẽ áp dụng để tranh đấu thay đổi chế độ hiện nay. Có ba lí do để các thành viên Lực Lượng Thanh Niên Việt Nam Tự Do Âu Châu chấp nhận phương pháp này: một là vì nguyên tắc dân chủ không cho phép bạo động, hai là vì bạo lực chỉ làm cho đất nước thêm đổ vỡ và ba là bạo lực không thích hợp với chủ trương của Lực Lượng Thanh Niên Việt Nam Tự Do Âu Châu. Cũng trong kì họp học tập này, thành viên Lực Lượng Thanh Niên Việt Nam Tự Do Âu Châu đã đồng ý về một bản nhận định về lịch sử loài người với tựa đề “Lịch sử loài người là lịch sử của những giao ước xã hội thành văn và bất thành văn”.

Ban Chấp Hành Trung Ương và Ban Chấp hành các Phân bộ của Lực Lượng Thanh Niên Việt Nam Tự Do Âu Châu vào thời điểm năm 1982, gồm có các ông Nguyễn Trọng Kha, Phan Phúc Vinh, Đặng Minh Kỷ, Phạm Xuân Cảnh, Trần Văn Răn, Đinh Văn Ban, Nguyễn Văn Thế, Vũ Đình Thọ, Nguyễn Gia Thưởng, Nguyễn Xuân Thuấn, Nguyễn Thế Vũ, Nguyễn Phú Lộc, Đặng Vũ Chính, Võ Trung Trực, Nguyễn Văn Đang, Hồ Thành Hiệu và Trần Bá Thành.

III. Sự liên kết giữa nhóm thảo luận Cơ Sở Tư Tưởng và Nhóm Lực Lượng Thanh Niên Việt Nam Tự Do Âu Châu

Sợi dây liên kết giữa hai nhóm là ông Nguyễn Trọng Kha.

Ông Kha là thành viên Lực Lượng Thanh Niên Việt Nam Tự Do Âu Châu – trụ sở trung ương đặt tại Lausanne Thuỵ Sĩ – sinh sống ở Paris và cũng có chân trong nhóm thảo luận Cơ Sở Tư Tưởng tại Paris. Chính vì thế ông Nguyễn Trọng Kha đã làm trung gian mang những suy nghĩ, ý kiến thảo luận trong nhóm Lực Lượng qua nhóm Paris và ngược lại những ý kiến của anh em Paris cũng được ông Kha đóng góp lại trong những buổi thảo luận trong nhóm Lực Lượng.

Chính sự trùng hợp về tư duy của hai nhóm về vấn đề đất nước đã đưa đến sự hợp tác tự nhiên giữa hai tổ chức. Điều này là mấu chốt cho sự kết hợp tốt đẹp giữa hai nhóm sau này dù có những thành viên ở những quốc gia xa nhau. Sự kết hợp chưa chính thức lúc ban đầu giữa hai nhóm chính là tiền thân của tổ chức Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên sau này.

Năm 1984, Lực Lượng Thanh Niên Việt Nam Tự Do Âu Châu tổ chức một buổi học tập phối hợp với trại hè dành cho gia đình thành viên Lực Lượng tại Fontenette, một làng nhỏ cách Paris hơn 300 cây số về phía Nam, để học tập về dân chủ đa nguyên và tiếp tục bàn về việc làm thế nào để áp dụng tính đa nguyên vào thực tế sinh hoạt dân chủ. Trong dịp này Lực Lượng đã mời ông Nguyễn Gia Kiểng thuộc nhóm thảo luận Cơ Sở Tư Tưởng đến tham dự. Lúc đó, ông Kiểng đã trình bày một chủ đề trong bản Cơ Sở Tư Tưởng bàn về bốn điều kiện cần có để cuộc cách mạng thành công. Điều kiện thứ nhất là mọi người trong nước đồng ý rằng chế độ hiện hữu là tệ hại và phải thay đổi. Điều kiện thứ hai là đảng hay giai cấp cầm quyền, vì mất đồng thuận trên lý tưởng chung hay vì bị ung thối, đã chia rẽ, phân hóa và đã mất bản năng tự tồn của một đoàn thể. Điều kiện thứ ba là đại đa số quần chúng đạt tới đồng thuận về một chế độ mới và những mục tiêu quốc gia mới. Điều kiện thứ tư là có một tập hợp chính trị xuất hiện phù hợp với nguyện ước của toàn dân làm điểm hội tụ cho những khát vọng đổi mới.

Khi Cộng Đồng Người Việt Tị Nạn Cộng Sản tại Hoà Lan tổ chức trại hè Hùng Vương năm 1987, Lực Lượng Thanh Niên Việt Nam Tự Do Âu Châu đã đề nghị Cộng đồng mời ông Nguyễn Gia Kiểng đến trình bày về dự án chính trị có tên Cơ Sở Tư Tưởng này.

IV. Việc hình thành nhóm Thông Luận và tờ báo Thông Luận

Sau khi có bản in Cơ Sở Tư Tưởng, một số người trong nhóm mới nghĩ đến việc phổ biến những tư tưởng này đến với quần chúng bên ngoài. Từ đó mới nẩy sinh ra ý kiến phải cần có một tờ báo!

Nói đến báo thì cho đến thời điểm đó mọi người chỉ biết báo dưới dạng báo ngày, báo tuần, báo tháng như ngày xưa ở Việt Nam hay sau này ở Mỹ. Ai cũng biết làm một tờ báo như vậy thì vô cùng tốn kém, trong khi mọi người trong nhóm dự định làm báo – mới qua Pháp tỵ nạn – không có tiền để thực hiện việc này!

Trong khi đó, tại Paris và vào thời gian đó, bà Quản Mỹ Lan thường nhận được một loại tài liệu của nhóm ông Raymond Barre, cựu Thủ Tướng Pháp. Đây là một loại “thư” 4 trang do nhóm ông R. Barre đưa ra để trình bày về đường lối hoạt động của nhóm mình. Việc này đã khiến bà Mỹ Lan suy nghĩ: Tại sao mình không làm báo dưới hình thức đó? Vì thế, Bà Mỹ Lan đã đưa ra ý kiến này và được anh em chấp thuận. Rồi mọi người trong nhóm góp tiền lại và quyết định ra một tờ báo với hình thức rất đơn giản nhưng có nội dung như các độc giả đã biết. Với số tiền đóng góp của nhóm lúc đó, những người làm báo quyết định phải ra được báo trong vòng ít nhất một năm dù có độc giả mua báo hay không. Tất cả những người trong nhóm đều đồng ý với nhau là tờ báo phải mang nội dung như sau đây:

1. Chỉ đăng những bài vở có tính cách chính trị, có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến Việt Nam. Không có các tiết mục văn nghệ, truyện ngắn, truyện dài hoặc thơ phú v.v…;

2. Không đăng quảng cáo, nói rõ hơn Thông Luận sẽ không sống bằng quảng cáo. Chính vì thế, sau này khi tờ Thông Luận “nổi tiếng”, nhiều nơi muốn đăng quảng cáo trên Thông Luận nhưng theo nguyên tắc đã đề ra từ đầu, nhóm làm báo đã phải từ chối;

3. Sẽ là tờ báo bán, không phải báo biếu hay cho không;

4. Sẽ không đăng lại những bài vở đã đăng trên những báo khác;

5. Với số tiền đóng góp được, anh em làm báo tiên liệu sẽ ra báo được ít nhất là một năm. Sau đó, nếu không có độc giả, không thu được  tiền vào thì ít ra tư tưởng của nhóm cũng đã được phổ biến đến đồng bào!

Quyết định là thế nhưng trong tất cả anh em, không ai có kinh nghiệm làm báo tuy kinh nghiệm viết bài đăng báo thì có! Vả lại, cũng vào thời đó, những người làm báo chuyên nghiệp cũng chỉ viết chữ không dấu rồi đánh dấu bằng tay. Ông Phạm Ngọc Lân là người làm việc trong ngành điện toán đã tạo ra bộ chữ tiếng Việt có dấu trên máy vi tính cá nhân Apple SE để làm báo Thông Luận.

Sau khi giải quyết được vấn đề tài chính và phương tiện kỹ thuật, tờ báo Thông Luận số 0 ra đời!

thongluan_so0

Cuối cùng, được sự ủng hộ của quần chúng, báo bán được!

Khi Thông Luận đã được biết đến, một số những người lâu nay im tiếng đã gia nhập nhóm như các ông Lê Văn Đằng, Huỳnh Hùng. Kế đó, ông Phạm Ngọc Lân giới thiệu ông Tôn Thất Long. Tiếp theo, bà Quản Mỹ Lan giới thiệu ông Nguyễn Văn Huy. Và sau đó ông Vũ Thiện Hân, Nguyễn Văn Khoa vv… cũng vào làm việc chung. Nhóm Thông Luận càng ngày càng vững mạnh với sự cộng tác đắc lực của những người biết trách nhiệm của mình trước vận nước.

Nhóm làm báo chủ trương chỉ gửi báo qua đường bưu điện, chứ không bán tại các sạp báo và tiệm sách. Với khuôn khổ của tờ A4, mọi người có thể photocopy dễ dàng để phổ biến. Người đầu tiên phổ biến Thông Luận dưới dạng photocopy là cựu ký giả Nguyễn Thái Lân ở miền Nam California. Ở Houston, các cảm tình viên của Thông Luận cũng phổ biến tờ báo dưới cùng một hình thức.

Đến đầu năm 1990, qua hội Nhân Quyền Việt Nam tại Hoà Lan, các thành viên Lực Lượng Thanh Niên Việt Nam Tự Do Âu Châu đã phát hành ấn bản Hòa Lan có thêm phụ trang để loan tin tức của Cộng Đồng Người Việt Tị Nạn Cộng Sản tại Hòa Lan.

Sau đó, tại một số những nước khác, nhiều người cũng cho in báo Thông Luận có thêm phụ trang. Thí dụ như vào năm 1995, hội An Vi của Linh Mục Kim Định do ông Vũ Khánh Thành tại Luân Đôn đại diện, đã xuất bản báo An Việt, trong đó vừa đăng nguyên văn báo Thông Luận vừa đăng thêm phần bài vở, tin tức của Cộng Đồng người Việt bên Anh.

Chủ nhiệm đầu tiên trong vòng 3 năm đầu của tờ nguyệt san Thông Luận là ông Bùi Quang Hiếu, 3 năm tiếp theo là ông Phạm Ngọc Lân, sau ông Lân là ông Vũ Thiện Hân. Sau đó, là các ông Diệp Tường Bảo, Nguyễn Văn Huy tuần tự phụ trách.

Dưới đây là danh sách chủ nhiệm của tờ Thông Luận, theo thứ tự thời gian:

1. Tháng 11/1987, nguyệt san Thông Luận xuất bản số 0 do ông Bùi Quang Hiếu làm chủ nhiệm cho đến số 33, tháng 12/1990;

2. Tháng 1/1991, ông Phạm Ngọc Lân làm chủ nhiệm bắt đầu từ số 34 và mãn nhiệm vào tháng 12/1993 với số 66;

3. Tháng 1/1994, ông Vũ Thiện Hân làm chủ nhiệm bắt đầu từ số 67 và mãn nhiệm vào tháng 12/2000 với số 143;

4. Tháng 1/2001, ông Diệp Tường Bảo làm chủ nhiệm bắt đầu tứ số 144 và mãn nhiệm vào tháng 8/2002 với số 161;

5. Tháng 9/2002, ông Nguyễn Văn Huy làm chủ nhiệm bắt đầu từ số 162 và chấm dứt nhiệm vụ vào tháng 12/2012 với số cuối cùng 275.
Thông Luận càng ngày càng có uy tín và trong nước bắt đầu xuất hiện “chui” những bản sao và đưa đến sự cộng tác của một số những người chia sẻ quan điểm của Thông Luận trước tình hình Việt Nam. Nhờ chủ trương bao dung và hòa bình đó, sau này những người trong nhóm làm báo đã được một số cán bộ cộng sản lão thành tin tưởng như các ông Nguyễn Hộ, Trần Độ và “nhóm Đà Lạt” – gồm có các ông Hà Sĩ Phu; Mai Thái Lĩnh; Tiêu Dao Bảo Cự; Bùi Minh Quốc – cũng như một số đảng viên phản tỉnh đóng góp bài vở cho báo Thông Luận.

Vì từ ngày đầu anh chị em trong nhóm không lấy một tên gọi chính thức cho nhóm như các tổ chức khác vẫn làm nên từ khi ra tờ báo Thông Luận, bên ngoài gọi “nhóm không tên” này là nhóm Thông Luận.

V. Những va chạm giữa Thông Luận và các tổ chức chính trị khác trong cộng đồng

Trong lúc các tổ chức khác chủ trương giải phóng Việt Nam bằng vũ lực thì Thông Luận lại chủ trương ôn hòa. Có nghĩa là cuộc đấu tranh sắp tới giữa người Việt yêu tự do, dân chủ chống lại Cộng Sản độc tài phải qua con đường bất bạo động.

Chủ trương nhà nước cần phải có chính sách hòa giải, hòa hợp dân tộc tưởng là rất hòa bình và bao dung này lại bị một tổ chức khác đánh phá dữ dội trên phương tiện truyền thông của họ. Chủ trương Hòa Giải Hòa Hợp Dân Tộc bị họ bóp méo là Thông Luận chủ trương Hòa Hợp, Hòa Giải với Cộng Sản. Điều này tạo cho những người vốn chủ trương bạo lực có cơ hội làm dấy lên một phong trào chống phá Thông Luận trên các phương tiện truyền thông như báo chí, đài phát thanh, đài truyền hình tại Hoa Kỳ.

Cao điểm nhất là vụ bạo hành của một tổ chức cực đoan đối với anh em nhóm Thông Luận.

Đó là cuộc hành hung gây thương tích cho hai ông Đặng Minh Kỷ (đại diện Thông Luận Hòa Lan) và Nguyễn Gia Kiểng (Thông Luận Paris) khi anh em nhóm Lực Lượng Thanh Niên Việt Nam Tự Do Âu Châu chính thức ra mắt ấn bản Thông Luận Hòa Lan vào ngày 16 tháng 4 năm 1990 tại thị xã Nijmegen – Hoà Lan. Việc này đã được tường trình đầy đủ trong hai số báo Thông Luận 27 và 28, phát hành vào tháng 5 và tháng 6 năm 1990. Trong đó, Thông Luận cũng đã nêu đích danh hung thủ.

VI. Những dự tính kết hợp với các tổ chức khác

1. Vào năm 1990, tại Trung Tâm Độc Lập ở Stuttgart, có cuộc họp bàn về việc hợp tác chung của bốn nhóm: Lực Lượng Thanh Niên Việt Nam Tự Do Âu Châu (Thuỵ Sĩ); nhóm chủ trương báo Độc Lập (Đức) của ông Vũ Ngọc Yên; Hiệp hội Dân chủ & Phát triển Việt Nam của ông Âu Dương Thệ (Đức) và nhóm Thông Luận (Pháp). Cả bốn nhóm đã đồng ý trên nguyên tắc là sẽ hợp tác chung.

Nhưng sau một thời gian, nhóm Độc Lập và Hiệp hội Dân chủ & Phát triển Việt Nam đã lặng lẽ tách ra, chỉ còn lại hai nhóm Lực Lượng Thanh Niên Việt Nam Tự Do Âu Châu và nhóm Thông Luận. Hai nhóm này tiếp tục làm việc chung và luôn luôn coi nhau như người cùng một nhóm. Có lẽ vì cả hai đều có cùng một cơ sở tư tưởng là dân chủ đa nguyên, hoà giải hoà hợp và bất bạo động nên sự hợp tác không có gì trở ngại.

2. Một thời gian sau khi xuất bản tờ báo Thông Luận – khoảng cuối năm 1991, đầu năm 1992 – thì ông Trần Văn Sơn (Trần Bình Nam) của tổ chức Phục Hưng từ Mỹ sang gặp anh em nhóm Thông Luận Paris và đề nghị kết hợp. Hai ông Nguyễn Trọng Kha và ông Nguyễn Văn Thế, đại diện cho Lực Lượng Thanh Niên Việt Nam Tự Do Âu Châu, cùng tham dự buổi gặp gỡ này.

Việc kết hợp này không thành vì một số thành viên của Phục Hưng cho rằng Thông Luận chủ trương hòa hợp, hòa giải với Cộng Sản.

VII. Những nét chính về diễn tiến của Dự Án Chính Trị Dân Chủ Đa Nguyên
1. Vào ngày 27/10/1990, một cuộc hội luận về Dân chủ Đa nguyên đã được Thông Luận tổ chức tại Paris với sự tham dự của năm tổ chức và thân hữu đến từ 8 quốc gia:

a. Lực Lượng Thanh Niên Viêt Nam Tự Do Âu Châu gồm các thành viên: bà Phạm Tú Minh và các ông: Đăng Minh Kỷ, Nguyễn Văn Thế, Nguyễn Gia Thưởng, Phạm Xuân Cảnh, Phan Phúc Vinh vv…;

b. Nhóm chủ trương báo Diễn Đàn Mới có bà Nguyễn Huỳnh Mai và các ông Đỗ Đình Thành và Nguyễn Văn Lang;

c. Cơ Sở Độc Lập có các ông Vũ Ngọc Yên và Dương Hồng Ân;

d. Nhóm Hiệp hội Dân Chủ & Phát triển Việt Nam gồm có các ông: Âu Dương Thệ, Lâm Đăng Châu và một số thành viên khác;

e. Nhóm Thông Luận Paris có bà Quản Mỹ Lan và các ông: Trần Thanh Hiệp, Nguyễn Gia Kiểng, Phạm Ngọc Lân, Vũ Thiện Hân, Huỳnh Hùng, Lê Văn Đằng, Nguyễn Văn Khoa, Nguyễn Văn Lộc, Tôn Thất Long, Diệp Tường Bảo, Võ Xuân Minh, Nguyễn Văn Huy, Nghiêm Văn Thạch, Lê Mạnh Tường v.v…

Ngoài những người thuộc các tổ chức kể trên, còn có sự tham dự đông đảo của trí thức Việt Nam đến từ các nơi như:

– Paris có các ông: Nguyễn Văn Ái,  Lê Hữu Khoa, Hoàng Khoa Khôi, Lưu Văn Vịnh, Từ Trì, nữ nghệ sĩ Bích Thuận và bà Thụy Khuê;

– Hoa kỳ có các ông: Đỗ Quý Toàn (Vương Hữu Bột), Trần Văn Sơn (Trần Bình Nam), Đinh Quang Anh Thái và Nguyễn Quốc Trung;

– Canada có ông Tôn Thất Thiện và Nguyễn Hữu Chung;

– Luân Đôn – Anh Quốc có ông Nguyễn Anh Tuấn.

tonghop_hoiluan_danchudanguyen

2. Năm 1992 Cơ Sở Tư Tưởng được in thành Dự án Chính Trị Dân Chủ Đa Nguyên.

Năm 1992 tên Phong Trào Dân Chủ Đa Nguyên ra đời với sự hợp tác chính thức của hai nhóm: Lực Lượng thanh Niên Việt Nam tự Do Âu châu và Thông Luận.

Khi đã hợp tác, Lực Lượng đã in Dự Án Chính Trị Đa Nguyên vào tháng 1/1992 để làm tài liệu học tập nội bộ.

DACT1992

Đến tháng 2/1992, bản chính thức của Phong Trào Dân Chủ Đa Nguyên được phát hành.

DACT_LLTNVNTDAC

3. Vào năm 1996, Dự Án Chính trị  Dân Chủ Đa Nguyên được bổ sung với những vấn đề mới dựa vào những biến chuyển của tình hình trong nước. Dự Án này lấy tựa đề là Thử Thách và Hy Vọng.

DACT1996


4. Năm 2000 Phong Trào Dân Chủ Đa Nguyên chính thức trở thành Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên.

Vào năm 2001, Dự án Chính trị Dân Chủ Đa Nguyên được bổ sung và lấy tên là Thành Công Thế Kỷ 21.

DACT2001


Danh xưng Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên được chính thức đặt cho nhóm vào năm 2000. Trước đây, khi ra tờ báo Thông Luận, nhóm không có tên chính thức. Sau nhiều lần tìm cách kết hợp với những tổ chức khác nhưng cuối cùng thấy rằng khó có thể kết hợp được nên khi bước qua thế kỷ thứ 21, nhóm cần minh danh với tên của mình. Trong một cuộc thảo luận sôi nổi trong Phân Bộ Bắc Mỹ tại San José, nhóm Thông Luận Hoa Kỳ đã đề nghị đặt tên cho nhóm là Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên. Tên gọi này được toàn thể thành viên chấp thuận. Từ đó, danh xưng Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên trở thành tên chính thức của nhóm.

5. Năm 2015, Dự Án Chính Trị được bổ túc, viết lại và lấy tên là Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai.

bia_khaisang_kynguyen_thuhai_00

Dự Án Chính Trị, từ lúc ban đầu cho đến nay, là do công trình và trí tuệ của tập thể anh chị em trong Tập Hợp chứ không phải của riêng một cá nhân nào.

Về tờ báo Thông Luận, ban đầu nhóm chỉ hy vọng là báo sẽ sống được một năm. Trước khi ra tờ Thông Luận số 1, nhóm làm báo đã in thử tờ báo số 0 (xin xem hình đính kèm ở phần đầu). Địa chỉ tòa soạn của 100 số báo đầu tiên là tư gia của ông bà Phạm Ngọc Lân – Quản Mỹ Lan.

Như vậy kể từ số 1 ra đời vào tháng 12 năm 1998 cho đến số 275, số báo cuối cùng phát hành vào tháng 12/2012, báo Thông Luận giấy tổng cộng đã sống được 25 năm!

Vào ngày 1/12/2016, Đảng Dân Chủ Đa Nguyên được thành lập sau khi tuyến bố bất tín nhiệm ông Nguyễn Gia Kiềng và chấm dứt mọi sự cộng tác với ông. Chúng tôi, những sáng lập viên và thành viên Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyễn, không thể tiếp tục đồng hành cùng ông với phương cách điều hành tổ chức nhất nguyên của ông.

Chúng tôi ghi lại những sự kiện ghi trên theo thứ tự thời gian, đồng thời lưu trữ trong thư khố của tổ chức, không ngoài mục đích thực hiện trách nhiệm ghi chép và lưu giữ những công trình gầy dựng tổ chức của tất cả những thành viên đã và đang có mặt trong tổ chức. Tất cả chúng tôi đều mang hoài bão đưa nước Việt Nam vào kỷ nguyên mới của dân chủ đa nguyên.


Ngày 10 tháng 1 năm 2017,
Thay mặt Ban Quản Thủ Thư Khố
Nguyễn Văn Thế – Nguyễn Gia Thưởng – Phạm Tú Minh

Share this:

Like this:

Like Loading...
%d bloggers like this: