Hôm nay, 24/1/2024, bản dịch cuốn HÀNH LANG HẸP của hai tác giả Daron Acemoglu và James Robinson chính thức được NXB Trẻ phát hành.
Nhà kinh tế học Robert Lucas (Nobel Kinh tế năm 1995) từng nói: “Một khi bạn bắt đầu suy tư về tăng trưởng kinh tế thì thật khó để nghĩ đến bất kỳ điều gì khác.” Quả thật, kể từ khi Adam Smith khai sinh kinh tế học hiện đại cho đến nay, câu hỏi tại sao trong lịch sử ngoài người, chỉ có một số ít quốc gia trở nên thịnh vượng, còn đa số tụt lại phía sau luôn là chủ đề vừa hấp dẫn, vừa nhức nhối đối với các nhà kinh tế-chính trị học. Trong cuộc tìm kiếm này, Daron Acemoglu và James Robinson — hai tác giả của cuốn sách bạn đang cầm trên tay — đã có những đóng góp nổi bật, giúp khai mở nhiều ý tưởng sâu sắc về con đường đi tới tự do và thịnh vượng.
Độc giả Việt Nam hẳn không xa lạ với hai tác giả này qua tác phẩm Tại sao các quốc gia thất bại do Nhà xuất bản Trẻ ấn hành. Nếu như trong cuốn sách trước, hai tác giả cố gắng lý giải “tại sao các quốc gia thất bại” từ căn nguyên thể chế, thì trong tác phẩm Hành lang hẹp này, câu hỏi bao trùm là “tại sao (chỉ một số ít) quốc gia thành công” trong việc vươn tới tự do và thịnh vượng. Câu trả lời vắn tắt là: Để đi tới tự do và thịnh vượng, các quốc gia đều phải tìm cách bước vào một “hành lang hẹp” trong đó đòi hỏi sự cân bằng tinh tế giữa quyền lực của nhà nước và xã hội.
Cố gắng dung hòa quan điểm của Thomas Hobbes và John Lock — hai triết gia chính trị xuất sắc người Anh thế kỷ 17 — Acemoglu và Robinson cho rằng để tự do xuất hiện và phát triển, cả nhà nước và xã hội đều phải vững mạnh. Một xã hội tự do và thịnh vượng cần có một nhà nước hiệu quả và hiệu lực để thiết lập trật tự, thực thi luật pháp, đảm bảo công bằng, và cung cấp các hàng hóa và dịch vụ công thiết yếu cho xã hội trong đó “mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng và không thể xâm phạm, trong đó có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc.” Đồng thời, tự do và thịnh vượng cũng đòi hỏi một xã hội mạnh mẽ năng động, giàu sức sống để giám sát quyền lực và thúc đẩy trách nhiệm giải trình của nhà nước.
Theo lời của Acemoglu và Robinson, “bị kẹp giữa một bên là nỗi sợ hãi và sự đàn áp của những nhà nước chuyên chế, còn bên kia là bạo lực rối ren và vô pháp luật, con đường dẫn đến tự do là một hành lang dài và hẹp.” Trên hành lang này, nhà nước và xã hội vừa giám sát, chế định lẫn nhau vừa bổ sung, hợp tác với nhau. Sự thống nhất và đấu tranh không ngừng nghỉ giữa nhà nước và xã hội tạo ra cân bằng quyền lực tinh tế: một mặt giúp nhà nước nâng cao năng lực để phục vụ xã hội tốt hơn, mặt khác thúc đẩy xã hội trở nên năng động và giám sát quyền lực của nhà nước hiệu quả hơn.
Trên thực tế, mất bao lâu để một quốc gia có thể bước vào “hành lang hẹp” đi đến tự do và thịnh vượng? Ở đây, chúng ta không có một câu trả lời duy nhất đúng cho mọi quốc gia trong mọi thời đại. Chẳng hạn như, kể từ cuộc cách mạng công nghiệp, các nước ở Tây Âu và Bắc Mỹ phải mất vài thế kỷ để trở thành các quốc gia tự do và phát triển. Trong khi đó, Hàn Quốc đã chuyển mình từ nền chính trị độc tài và kinh tế kém phát triển trở thành một nền chính trị dân chủ và kinh tế hiện đại chỉ sau vài thập kỷ.
Ngày nay, khi nhìn vào kỳ tích của những “con rồng châu Á”, nhiều người dễ ngộ nhận rằng con đường phát triển của các nước này luôn xuôi chèo mát mái. Điều này giống như khi vào một nhà hàng 3 sao Michelin, chúng ta chỉ nhìn thấy những món ăn được bày biện sang trọng và tinh tế, chứ không nhìn thấy sự tất bật, bề bộn và những giọt mồ hôi nhễ nhại trong nhà bếp. Thực tế là, con đường đi đến tự do và thịnh vượng của mọi quốc gia không bao giờ trải đầy hoa hồng mà trái lại lúc nào cũng đầy chông gai và cạm bẫy. Không những thế, trên con đường này, luôn tồn tại một nguy cơ, đó là mặc dù rất khó khăn để bước vào hành lang hẹp, song lại rất dễ xảy chân và trượt ra khỏi hành lang này.
Nguy cơ nói trên thể hiện rõ nét trong quỹ đạo phát triển của Hàn Quốc và Đài Loan. Cách đây khoảng 70 năm, vào đầu thập niên 1950, nhìn vào Hàn Quốc và Đài Loan khi ấy, khung cảnh nổi bật của cả hai vùng lãnh thổ này là sự nghèo nàn, lạc hậu, chiến tranh và nguy cơ xung đột luôn rình rập. Thậm chí, nhìn vào châu Á khi ấy, một người thức thời có thể sẽ đánh cược vào tương lai của Malaysia hay Philippines chứ không phải Hàn Quốc hay Đài Loan. Nhưng chỉ sau vài thập niên, tương quan này đã hoàn toàn đảo ngược: cả Hàn Quốc và Đài Loan chuyển từ chế độ độc tài sang dân chủ vào cuối thập niên 1980; Hàn Quốc gia nhập OECD năm 1996; Đài Loan có mức thu nhập bình quân đầu người tương đương Hàn Quốc, song vì lý do địa chính trị nên chỉ có vị thế “quan sát viên” chứ chưa được kết nạp vào khối OECD. Trong khi đó, cả Malaysia và Philippines cho đến nay vẫn đang loay hoay tìm cách tiến vào “hành lang hẹp”.
Nhìn rộng ra toàn thế giới, mặc dù tự do và thịnh vượng — hai đặc trưng chủ yếu của “hành lang hẹp” — luôn là những giá trị phổ quát mà mọi xã hội có lương tâm và lý trí đều hướng tới, song đa số các quốc gia hiện nay vẫn nằm ngoài hành lang này.
Vậy điều gì cản trở các quốc gia này bước vào “hành lang hẹp”? Như đại văn hào Lev Tolstoy đã viết trong tác phẩm Anna Karenina: “Mọi gia đình hạnh phúc đều giống nhau, nhưng bất hạnh thì mỗi nhà mỗi vẻ”, tương tự như vậy có thể kể ra một ngàn lẻ một lý do cho tình trạng thất bại của những nước vẫn đang ở bên ngoài “hành lang hẹp”. Trong số những nguyên nhân này thì quan trọng nhất là điều kiện địa lý và khí hậu bất lợi; đặc điểm văn hóa và chủng tộc dễ nảy sinh xung đột; tình trạng chiến tranh, vô chính phủ; sự bất lực của luật pháp; sự lạm quyền, động cơ vụ lợi và vắng bóng trách nhiệm giải trình của các nhà chính trị mà hệ quả tất yếu là nạn tham nhũng tràn lan; sự lũng đoạn của giới quyền thế và các nhóm đặc quyền đặc lợi; động lực của thị trường bị triệt tiêu; sự chối bỏ quyền con người, quyền công dân; và tình trạng mất niềm tin và thiếu sức sống của xã hội.
Ý nghĩa của những giá trị phổ quát về tự do và thịnh vượng không hề xa lạ trong lịch sử cận đại Việt Nam. Ngay khi mới giành được độc lập, trong “Thư gửi Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng” đăng trên báo Cứu quốc ngày 17 tháng 10 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì.” Gần đây hơn, Hiến pháp 2013 cũng tuyên bố mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện.” Có thể hiểu, đây là một cách diễn đạt khác của lý tưởng “hành lang hẹp” trong tác phẩm của Acemoglu và Robinson.
Tác phẩm Hành lang hẹp là kết tinh của nhiều thập niên nghiên cứu về vai trò của thể chế đối với tăng trưởng và phát triển kinh tế. Khởi đầu từ một loạt công trình nghiên cứu cùng với Simon Johnson vào đầu thập niên 2000, trong đó nổi bật là tác phẩm nhan đề “Một nghiên cứu thực nghiệm về nguồn gốc thuộc địa của sự phát triển tương đối giữa các quốc gia” đăng trên tạp chí kinh tế hàng đầu American Economic Review tháng 12 năm 2001, những nghiên cứu sâu sắc của Acemoglu và Robinson đã đem tới một góc nhìn mới, giúp chúng ta hiểu thấu đáo hơn sự hình thành của thể chế và nguyên nhân tại sao trong lịch sử phát triển nhân loại chỉ có một số quốc gia thành công, trong khi đa số lại thất bại trên con đường đi đến tự do và thịnh vượng. Với những đóng góp quan trọng này, Acemoglu, Johnson và Robinson đã được Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển trao tặng Giải thưởng Khoa học Kinh tế của Ngân hàng Quốc gia Thụy Điển để tưởng nhớ Alfred Nobel vào tháng 10 năm 2024.
Tuy Hành lang hẹp là sự tiếp nối của Tại sao các quốc gia thất bại, song độc giả tinh ý sẽ nhận thấy cuốn thứ hai có tính nguyên bản hơn về ý tưởng, thú vị hơn về cách tiếp cận, và nhất là không bị rơi vào “quyết định luận thể chế” như cuốn thứ nhất. Trong Hành lang hẹp, hai tác giả đã phân tích động năng của mối quan hệ phức tạp vừa tương hỗ và cộng sinh vừa kiểm soát và chế ngự lẫn nhau giữa nhà nước và xã hội. Nếu bạn muốn tìm hiểu mối quan hệ sống động này, từ đó đi đến thấu hiểu cách thức các các quốc gia đã thành công (hay thất bại) trong việc thúc đẩy năng lực của xã hội song hành với kiến tạo một nhà nước vững mạnh thì đây là cuốn sách dành cho bạn.
(*) Cuốn sách này, bản thân nó, cũng đã phải trải qua một hành lang dài và hẹp để đến được tay bạn đọc. Hành trình này sẽ không trọn vẹn nếu thiếu sự nhiệt thành và tâm huyết của Nguyễn Thành Nam – Tổng biên tập NXB Trẻ – người vừa qua đời vì bệnh hiểm nghèo. Xin mượn cuốn sách này như một nhén tâm nhang gửi tới Nam, một người bạn, người đồng hành với lời tri ân và niềm tiếc thương sâu sắ
Vũ Thành Tự Anh