Views: 77

Tinh thần kỷ luật (Bông Lau)

Lý do tại sao tất cả 379 hành khách và phi hành đoàn trên chiếc Airbus A350 của Japan Airlines JAL thoát hiểm khi chiếc máy bay hàng không này đụng vào chiếc máy bay của Tuần duyên Nhật vào ngày 2 tháng Giêng vừa qua.

Chiếc Airbus A350 có tổng cộng 8 cửa thoát hiểm, 4 cửa mỗi bên hông máy bay. Trên nguyên tắc là tất cả hành khách và phi hành đoàn sẽ thoát ra từ 8 cửa này trong vòng 90 giây.

Tuy nhiên khi chiếc Airbus A350 của Japan Airlines này gặp tai nạn thì chỉ có 3 cửa thoát hiểm là sử được mà thôi và hệ thống liên lạc “intercom” của phi công và tiếp viên hàng không bị hư hại không hoạt động. Vì thế các tiếp viên hàng không đã tự động hướng dẫn cuộc thoát hiểm mà không có lịnh từ phòng lái. Hướng dẫn thoát hiểm mới là công việc quan trọng nhứt của người tiếp viên hàng không chớ không phải họ chỉ biết mang thức ăn và nước uống giải khát cho hành khách.

Đoạn phim youtube đính kèm cho thấy ngoài cửa sổ máy bay đỏ rực lửa cháy nhưng các hành khách vẫn ngồi yên ở vị trí mình chớ không hốt hoảng đứng dậy.

https://www.youtube.com/watch?v=OKLDC0uCVIU

Các cuộc phỏng vấn người sống sót cho biết các tiếp viên hàng không của Japan Airlines đã kêu gọi mọi người bình tĩnh ngồi yên tại chỗ. Trong máy bay bị mất điện và khói bắt đầu tràn vào. Các tiếp viên phi hành đã cẩn thận kiểm soát coi có lửa cháy bên ngoài cửa trước khi mở. Họ dùng đèn pin để hướng dẫn cuộc thoát hiểm và tất cả hành khách đã tuân lịnh không ai thoát thân với hành lý trên tay.

Tất cả 379 người thoát ra 3 cửa cấp cứu trong khoảng 18 phút. Phi công ra sau cùng. Khi mọi người thoát ra hết, 10 phút sau có tiếng nổ lớn và lửa bùng lên thiêu hủy chiếc Airbus A350 thành tro bụi.

Các chuyên gia phân tích rằng vì đây là một chuyến bay nội địa Nhật Bản nên hầu hết hành khách là người Nhật. Chỉ có 43 hành khách ngoại quốc gồm có công dân Úc, Thụy Điển, Hồng Kông, Tàu, và Nam Hàn. Bởi vì đa số hành khách là người Nhật nên không có vấn đề trở ngại ngôn ngữ với tiếp viên phi hành. Người Nhật vốn đã quen các cuộc thực tập di tản khi có thiên tai như động đất sóng thần v.v. nên họ rất kỷ luật và bình tĩnh.

Một số hàng không Nhật Bản chấp nhận tốn kém để sắp đặt người trong gia đình ngồi với nhau vì khi gặp tai nạn thì cả gia đình thoát hiểm với nhau mà không mất thời gian tìm kiếm người thân của mình. Máy bay Airbus A350 và các loại máy bay hàng không tối tân ngày nay được chế tạo bằng hợp chất khó bắt lửa và ít khói khi cháy để giúp hành khách có thời gian thoát thân và không bị chết ngạt vì khói.

Trong các chuyến bay ở Hoa Kỳ hành khách Mỹ có thói quen là khi máy bay ngừng và đèn tháo nịt an toàn vừa tắt là mọi người nhốn nháo đứng dậy lấy hành lý và ra đứng sẵn nơi hành lang máy bay làm nghẽn cứng luôn. Người Mỹ cũng không tôn trọng luật giao thông cho lắm. Ở các ngã tư đường khi đèn đèn đỏ cấm qua đường đang sáng mà họ cứ băng qua mặc dù xe cộ đang trờ tới. Không giống các xứ Bắc Âu và Nhật Bản khách bộ hành sẽ kiên nhẫn đứng đợi và chỉ băng qua đường khi đèn xanh cho phép qua sáng lên cho dù đường vắng hoe không có xe.

Trên chuyến bay hàng không Nhật từ Hoa Kỳ đi Việt Nam xạ thủ thấy hành khách Việt Nam tháo nịt an toàn ngay khi máy bay vừa ngừng và nhốn nháo vỡ chợ mở các hộc đựng hành lý phía trên làm các cô tiếp viên hàng không Nhật chạy lui chạy tới yêu cầu họ ngồi xuống để nhường những người ngồi phía trước ra.

Trong các chuyến bay nội địa Việt Nam còn kinh hoàng hơn vì máy bay đang còn lăn bánh mà đã có hành khách tháo nịt an toàn đứng dậy mở hộc lấy hành lý của mình như thể sợ đứa nào chôm mất và các tiếp viên hàng không Việt Nam ngồi im bất lực vì có hò hét cũng chẳng ai nghe mà nhiều khi bi chửi hay bị hành hung hổng chừng. Khi xếp hàng vào máy bay thì mấy bà già nhà quê đứng phía sau xạ thủ cứ lấn tới và qua mặt để zô máy bay trước mới ớn chớ. Làm như đi sau thì bị bỏ rơi zậy

Nói bậy trù ẻo chớ nếu chiếc Airbus A350 của Japan Airlines mà chở toàn hành khách Việt Nam thì chắc chỉ có khoảng chừng 20 người thoát được còn tất cả sẽ chết cháy. Vì ai cũng sợ bị chôm đồ nên ôm khư khư hành lý chen lấn thì làm sao chui lọt qua chỉ có 3 cửa thoát hiểm.

Mà hỏng phải muốn nói xấu người Việt thời nay làm gì. Thời VNCH cũng vì không có kỷ luật khi di tản nên dân và lính đạp lên đầu nhau mà chạy do đó nhiều người bị kẹt lại.

Có những hồi ký chiến tranh thương tâm là máy bay trực thăng Mỹ đến bốc binh sỹ VNCH ở Hạ Lào nhưng một số người hốt hoảng vì sợ bị bỏ rơi đã tràn lên hay đu càng làm máy bay chở nặng quá sức ấn định, sau khi bốc lên cao bị mất vòng tua RPM rớt xuống lại nên phi công ra lịnh xạ thủ đại liên dùng gót giày hay báng súng đạp hay đập vào lính VNCH đang bám phía dưới làm họ rớt từ mấy trăm thước xuống đất chết. Nếu không làm vậy thì máy bay sẽ rớt mọi người sẽ chết. Một số đơn vị Nhảy Dù có kỷ luật chỉ cho phép binh sỹ lên máy bay không quá số ấn định và sỹ quan bình tĩnh lên máy bay sau cùng nên lính không hoảng sợ và phi công Mỹ cũng hỏng hết hồn hết vía.

Trong cuốn sách Trên Vòm Trời Lửa Đạn của phi công Vĩnh Hiếu kể khi ông lái chiếc trực thăng UH1 thả bánh mì cứu đồng bào của mình đang di tản trên con đường máu 7B ở Phú Bổn năm 1975. Ông chỉ thả lương thực xuống chỗ nào ít người vì sợ dân chúng vì đói khát sẽ đạp lên nhau chết khi dành giựt miếng ăn. Khi đáp trực thăng để bốc người di tản trên con đường máu nước mắt này ông cũng chỉ dám đáp xa xa ít người vì sợ dân chúng tràn lên làm rớt máy bay. Cấp chỉ huy của Phi đoàn Thần Tượng đã cảnh báo phi công Vĩnh Hiếu có một chiếc UH1 rớt vì dân chúng tràn lên đông quá.

Có thể ngôn ngữ và văn hóa đã đóng góp vào việc làm người Việt dễ hốt hoảng chăng? Mới bị trầy rướm máu sơ sài mà đã gào lên “Chết tui rồi trời ơi” hay “đau muốn chết”. Người Mỹ khi bị đau đớn họ không gào lên “Tui sắp die (chết)”. Xạ thủ coi mấy đoạn phim quay người nhảy cầu tự tử ở Việt Nam, khi nạn nhân rơi tòm xuống sông thì người coi tri hô “Chết rồi, chết rồi” trong khi nạn nhân vẫn còn lội bì bỏm. Văn hóa Việt Nam chết là điều gì đó u ám hãi hùng. Khi chết thì nhiều người khóc để tăng phần thê lương nên ai cũng sợ. Có bài hát “tiếng chày tiếng búa nện đinh (đóng hòm lại) nghe rợn người luôn. Người Mỹ chết là về với Chúa nên đám ma Mỹ có nhiều người nói cười zui zẻ thản nhiên.

Đã có lần xạ thủ kể trên FB khi thuê một chung cư cao cấp ở Sài Gòn tưởng sẽ có những cư dân văn minh nhưng đã lầm. Mỗi lần cửa thang máy mở ra trong giờ cao điểm là thấy đám đông đứng lố nhố hỏng đứng một bên đợi mình ra trước mà ùa vào đẩy xạ thủ vào tuốt sau thang máy. Chắc họ tưởng là chuyến thang máy cuối cùng trong ngày chăng? Cho nên mỗi lần ra thang máy là phải mở đường máu trợn mắt mõm gào to văng tục để người ta sợ mà dạt ra.

Có người bà con ở Sài Gòn kể xin các bạn kiểm chứng giùm nhe. Ông này nói ở các đường rầy xe lửa khi các cây cản hạ xuống vì xe lửa sắp chạy qua. Xe gắn máy và xe hơi đứng đợi đông nghẹt mỗi bên cây cản. Vì ai cũng hối hả muốn đi trước nên họ không đứng đợi ở phần một chiều bên phải mà bắt đầu tràn qua bên lằn ranh ngược chiều bên trái. Bên phía cây cản bên kia cũng làm y như zậy. Khi xe lửa đi qua xong, cặp cây cản kéo lên thì thôi rồi. Con đường 2 chiều giờ chỉ còn một chiều đối nghịch nhau mỗi bên cây cản. Thế là xe cộ xông vào nhau nghẽn cứng hỗn độn càng mất thêm thời giờ hơn. Ông bà con là thổ địa ở Sài Gòn chửi hỏng tiếc lời nói là chưa thấy ai ngu như zậy.

Để kết luận qua câu chuyện 379 hành khách và phi hành đoàn trên chiếc Airbus A350 thoát chết bởi vì họ có kỷ luật. Họ không ích kỷ chỉ nghĩ đến lợi ích cho riêng mình. Một xã hội có trật tự kỷ cương và tôn trọng pháp luật thì công dân của nước ấy sẽ tránh được những bi hài kịch. Tự do dân chủ là chuyện lấp biển vá trời nếu những chuyện nho nhỏ lặt vặt dễ thực hiện như sếp hàng trật tự nhường nhịn tôn trọng người khác vẫn chưa làm được.

Bông Lau

Nguồn: https://www.facebook.com/US07927/posts/pfbid0BwoQenS7U3U8eRduXx3yccorRRVvgraSNF4TsjHzoXXkZohk

Post Views: 117

Share this:

Like this:

Like Loading...