Thành công của một cá nhân, một tập thể/cộng đồng và một quốc gia liên quan mật thiết với nhau.
Một quốc gia không thể xem là vững mạnh hay thành công nếu chỉ có một thiểu số thành công; mà lại thành công không phải vì dựa trên sự cần mẫn, đạo đức hay trí tuệ, mà là quen biết, vô tâm hay trí trá. Như thế thì nó chỉ là một quốc gia nghèo nàn tụt hậu và đầy bất công.
Khi nền tảng quốc gia, hay nói nôm na là trò chơi, sân chơi và luật chơi, dựa trên tính công bằng, bình đẳng, năng lực và trí tuệ, thì quốc gia đó sẽ tạo ra những điều kiện để mọi tài năng và tiềm năng có cơ hội tốt nhất phát triển.
Nói cách khác, mọi cá nhân, hay càng nhiều cá nhân, thành công thì quốc gia đó sẽ thành công.
Nhưng thế nào là thành công?
Có muôn vàn định nghĩa thành công. Nhưng định nghĩa KN tâm đắc nhất là từ Thomas Edison.
Có lẽ chưa có ai có nhiều bằng sáng chế như Thomas Edison. Với ông, thành công là: “Tôi đã không thất bại 10.000 lần – Tôi đã thành công tìm ra 10.000 cách không hiệu quả thôi”. (I have not failed 10,000 times – I’ve successfully found 10,000 ways that will not work.)
Vì không sợ thất bại, và xem mỗi lần như thế là một thử nghiệm, niềm đam mê lẫn sự kiên trì không bỏ cuộc, gọi chung là Grit, đã giúp ông thành công vượt bực.
Michael Jordon, hay bao người thành công vượt bực khác, cũng không hề sợ thất bại và xem nó là cơ hội để thử nghiệm.
Trong khi đó, người Việt cũng như một số văn hóa khác lại rất sợ thất bại. Nhưng đó là điều dễ hiểu. Một lỗi lầm, hay một sơ sót nhỏ, có khi bị la mắng, chửi bới thậm tệ. Cũng lắm khi bị ăn đòn trong nhà, bị trù dập trong xã hội, hay, tệ hơn, bị thân bại danh liệt trên tầm quốc gia.
Một xã hội không khoan dung với sai lầm hay lỗi lầm, hoặc không biết tha thứ – như Thiên Chúa đã tha thứ cho tội lỗi con người, và con người cần tha thứ tội lỗi cho nhau – thì xã hội đó không có đủ không gian, và không tạo ra văn hóa, để con người trải nghiệm, tự do và phát triển.
Tư duy định hình văn hóa, và ngược lại. Văn hóa thất bại, hay văn hóa thành công, cũng được định hình từ đó. Nó quyết định một nửa kết quả. Nửa còn lại là do công sức và sự cam kết thực hiện.
Lý do nào văn hóa một tập thể, tổ chức hay quốc gia thành công, nói cho cùng, cũng đi từ những nguyên lý rất cơ bản này. Không có bí quyết nào cả, mà chỉ là một công thức phổ quát để một dân tộc dìu nhau và nâng đỡ nhau cùng tiến bộ.
Vì thế, bước đầu tiên, và căn bản nhất, là làm sao phải tạo mọi điều kiện để nhiều người hứng thú tham gia, và dốc lòng làm việc chung với nhau, mà không sợ bị sai hay đánh giá.
Chúng ta có làm được không?
Teresa Trần Kiều Ngọc