Views: 122

Ớn (Phùng Hi)

Ớn (Phùng Hi)

Năm kia tôi nhận quyết định nghỉ hưu trước tuổi, gặp tôi ai cũng hỏi sao nghỉ sớm thế? Tôi nói “ớn”. Vì sao ớn? Tôi không trả lời vì biết không ai đủ kiên nhẫn để nghe lý do.

Ớn: ngán ngẩm, chán nản, khó chịu trong người.

Tôi dạy học lâu niên, lại ở miền núi, nên lương xấp xỉ 13 triệu, tức thêm 1 triệu nữa thì ngang lương bộ trưởng, nghe nghỉ hưu sớm ai cũng tiếc. Tôi cũng tiếc cho tôi nhưng phải nghỉ thôi vì quá “ớn”. Ráng ít năm nữa thì nghỉ hưu trọn vẹn nhưng vậy cũng tốt rồi. May hoặc rủi, rằng độ “ớn” của tôi không ở mức cao, chứ không đã bỏ dạy từ lâu.

Nay nghe cả nước có nhiều giáo viên bỏ việc, có nguy cơ thiếu giáo viên trầm trọng, tôi ghi ra đây vài dòng vì sao tôi ớn, để chia sẻ nỗi niềm chung. Cũng coi như gián tiếp gửi tâm tình lên quản lý các cấp, mong các vị thông minh hơn, thực chất hơn; tránh bảo thủ, giáo điều trong công việc của mình, ngõ hầu ngăn chặn làn sóng giáo viên nghỉ việc, chuyển việc.

  1. Tôi ớn chuyện học sinh quậy phá trong lớp

Học sinh biếng học đông quá nhưng nhà trường chủ trương không học sinh nào phải ở lại lớp, không một học sinh nào bị bỏ lại phía sau. Để giải quyết cái chủ trương đó thì phải bằng “điểm số” chứ các giải pháp khác chỉ qua loa, trình diễn, như phụ đạo, kèm cặp, hoặc chỉ yêu cầu cơ bản về kiến thức thì học sinh đó cũng không thể vượt qua.

Học sinh có điểm kém môn toán, nhưng để được lên lớp thì phải nâng lên điểm trung bình, vậy học sinh điểm trung bình theo đà đó phải nâng lên loại khá giỏi mới công bằng chứ, hậu quả là học sinh đạt tiên tiến tùm lum, nhận thưởng búa xua. Bao năm diễn ra, học sinh biếng học càng đông, đông như quân nguyên và càng lì lượm, vì không học vẫn lên lớp thì học làm gì cho mệt. Mỗi ngày học sinh đến trường đều là ngày vui thiệt sự. Chúng không lo học thì vui thôi, vui đến mức quậy phá, vô lễ với giáo viên. Mà tôi thì kỳ lạ, thà học dở chứ quậy không cho tôi dạy là tôi không chịu nổi, đứa học dốt quậy phá thì thường chúng quậy rất ngu. Lòng tôi đau như cắt, chịu, không làm gì được chúng. Ớn.

  1. Tôi ớn việc soạn giáo án và hồ sơ sổ sách.

Không ai đi dạy mà không chuẩn bị cả, nhưng ghi chi tiết cái “chuẩn bị” đó, tức giáo án, để cấp quản lý xem và phê duyệt thì tôi rất tức. Hình dung vầy, một bác sĩ ngày mai có ca mổ thì là mai mổ, chứ chẳng lẽ bác sĩ ghi ra giấy hay trên máy tính cái ngày mai phải làm? Một kịch sĩ tối nay lên sân khấu diễn vai của mình, lại phải ghi ra chi tiết cái mình sắp diễn, nháy mắt chỗ này, há hốc mồm chỗ kia? Bắt giáo viên ghi giáo án là xâm phạm nghiêm trọng đời tư, can thiệp thô bạo vô công việc người khác, vậy mà mấy chục năm nay cứ diễn ra ngứa mắt. Ngoài giáo án còn bao thứ giấy tờ khác gọi là “hồ sơ sổ sách” cũng phải nộp để kiểm tra luôn. Cái sổ ghi thể hiện mình có đầu tư sâu chuyên môn, có đọc sách này, sách kia, có học ngoại ngữ v.v… cũng phải nộp. Như vậy là bày cho giáo viên cách đối phó, cách giả dối rồi. Ớn.

  1. Tôi ớn thi đua

Đầu năm học phải đăng ký thi đua danh hiệu gì? Chiến sĩ thi đua, lao động xuất sắc hay lao động tiên tiến? Ô, mỗi giáo cứ đúng trách nhiệm, đúng lương tâm nghề nghiệp, đúng kỹ năng sư phạm, đúng khả năng chuyên môn mà tiến hành công việc; làm tốt được thưởng, làm không tốt bị phê bình chứ đăng ký mình sẽ “lao động xuất sắc” có phải kỳ cục không? Cấp quản lý đã ép giáo viên thành kẻ trơ trẽn, giả dối, giành giật nhau phần thưởng. Kỳ cục nhất, có giáo viên năm học đó ngẫu nhiên đạt thành tích cực tốt, lẽ ra phải được khen thưởng cao nhưng vì đầu năm không đăng ký chiến sĩ thi đua nên không được cấp sở khen (!). Ớn.

  1. Tôi ớn chuyện học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách HCM và mấy cuộc thi tìm hiểu nọ kia.

Đầu năm, giữa năm, cuối năm, tuỳ hứng, tuyên giáo các cấp đến trường dạy cho giáo viên cách để học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách HCM, dạy cho giáo viên nội dung của các nghị quyết trung ương Đảng. Chuyện ai đó hay ho thì giáo viên tức khắc làm theo nếu thấy phù hợp công việc của mình, không phải ép. Có cán bộ nào từ địa phương đến trung ương không học và không làm theo Bác đâu? Vậy mà ăn trên đầu trên cổ dân, ăn tài nguyên của đất nước, hành dân đến ra bã mới thôi. Chưa kể cán bộ tuyên giáo chữ nghĩa ngô nghê, hiểu biết cạn cợt, mà bắt họ phải gồng lên dạy cho giáo viên nhưng thứ cao vời khó nói, khó diễn đạt, gây cho người nghe vừa chán, vừa tội nghiệp cho diễn giả.

Một năm học có đến vài cuộc thi tìm hiểu chuyện gì đó chẳng liên quan đến nghề dạy học, vậy là cứ in cho mỗi người mấy tờ A4 dày đặc chữ, cùng một mẫu, rồi điền tên giáo viên vô để tham gia thi. Chẳng mệt nhọc gì nhưng sao cứ ép giáo viên vô trạng thái chán ngấy và giả trá vậy. Ớn.

Thiệt ra cấp quản lý “từ trên nhìn xuống”, biết rõ giáo viên nào dở / giỏi, biết giáo viên nào siêng năng / lười biếng, biết giáo viên nào tự trọng / nịnh hót… đâu có cần mấy thứ thi đua, kiểm tra hồ sơ sổ sách, mới nhận ra. Cũng như người của ngành nghề khác, tốt nghiệp ngành sư phạm thì giáo viên đủ bản lĩnh để giảng dạy, phải tin nhau, chứ kiếm đủ cách hành nhau để làm gì? Giáo viên đối phó được tất, nhưng mà ớn.

Phùng Hi

Nguồn: https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=pfbid034sMi7AM2f5qFjy712nHeoFyZamuaZatWmta8zLS6yng8A7GTfV

Post Views: 31

Share this:

Like this:

Like Loading...