247

Mặt trận Bakhmut quan trọng và khó khăn cho cả hai bên như thế nào? (14/3/2023) (Phúc Lai)

Cho đến chiều hôm nay theo giờ Hà Nội, từ mặt trận Bakhmut vẫn tiếp tục đưa về những tin tức không hay ho gì, và tui không hề nghi ngờ rằng nó không hay cho cả hai bên. Những phân tích của tui trước đây để cùng mọi người nhìn ra rằng: vị trí của Bakhmut không thực sự quá quan trọng với Ukraine, vì vậy nếu như có phải bỏ nó, thì cũng không ảnh hưởng nhiều đến tình thế chiến lược.

Đồng thời ngay cả với Nga, dù có chiếm được thị xã này thì nó cũng không đưa lại bước ngoặt của chiến tranh, và những khó khăn của họ vẫn tồn tại.

Tuy nhiên, tui vẫn không bác bỏ tuyệt đối những ý kiến cho rằng Bakhmut là quan trọng với cả hai bên.

I – Vậy tầm quan trọng của nó như thế nào, chúng ta hãy điểm qua một số nét chính.

  1. Với Ukraine. Trước đây chúng ta đã điểm qua những thông tin của các nhà phân tích quân sự phương Tây (đăng báo hẳn hoi chứ không phải trên các trang mạng xã hội) rằng từ thị xã Bakhmut đi về phía Tây và Tây Bắc có hai trục đường chính đi qua vùng đồi cao, đã được bố trí sẵn hệ thống phòng thủ “dày đặc.” Do đó nếu quân Nga có chiếm được thị xã này, thì việc họ đi tiếp cũng gần như là không thể.

Cụ thể là muốn tiến chiếm Kramatorsk, quân Nga phải từ Bakhmut theo đường T-0504 tiến chiếm Kostyantynivka rồi theo đường H-20 (hay N-20 gì đó), đi tiếp đến Kramatorsk. Còn cũng từ Bakhmut, theo đường T-0513 – M-03 đi tiếp lên đánh Slovyansk. Hai hướng này đều khó khăn như nhau.

Đặc điểm trên khiến chính Prigozhin cũng than vãn: muốn đến được địa giới hành chính của Donbas (đồng nghĩa với việc chiếm cả hai thành phố Kramatorsk và Slovyansk) thì quân Nga sẽ mất khoảng 2 năm nữa. Đến lúc đó thì Putox cũng ngoẻo củ từ rồi.

Nhưng, đó là bước sau của trận chiến – nó phù hợp với những đề nghị giống như trước đây, trong lịch sử của cuộc chiến tranh Vệ quốc khi Zhukov đề nghị thậm chí – bỏ Kyiv thật nhanh để bảo toàn lực lượng, lùi về các tuyến phòng thủ được chuẩn bị kỹ càng ở tuyến sau đảm bảo chặn đứng quân Đức. Chắc chắn trong Tổng hành dinh và Bộ tham mưu của ông Zelenskyi cũng có ý kiến tương tự như vậy.

Lại nhưng, căn cứ trên cách tiến hành chiến tranh của người Nga như hiện nay, và cũng căn cứ trên khả năng thực tế của họ trong thời điểm hiện tại (tí nữa tui xin phân tích sau) – cho thấy người Nga bắt buộc phải dùng quân số đông để bù đắp cho những yếu thế của mình về phương tiện, khí tài và kỹ thuật. Điều này đem lại cho người Ukraine một cơ hội lớn trong giam chân quân Nga tại đây để tiêu hao lực lượng của họ. Vì vậy, chừng nào chưa phải bỏ thị xã, thì vẫn cứ giữ vì dù sao, vẫn chưa có được một chiến thắng cho Putox. Còn nếu đã chiếm được rồi, với những khó khăn vừa liệt kê chưa chắc bọn Gerasimov và Shoigu đã xua quân đánh tiếp theo hai hướng trên đây chúng ta vừa suy xét, mà có khi lại quay ra hướng khác. Khi đó thì người Ukraine lại buộc phải chiếm lại thị xã Bakhmut, không biết có khó khăn hay không nhưng chắc chắn không dễ dàng gì.

Tất nhiên, việc giam chân quân Nga, đánh tiêu hao phải đảm bảo một yếu tố là dùng lực lượng tối thiểu, dùng lực lượng tại chỗ chứ không dùng những lực lượng dự bị chiến lược đã và đang hình thành cho những chiến cục lớn sắp tới.

  1. Đối với Nga. Thực sự nếu chỉ cho rằng họ bế tắc về ý tưởng – tức là không đưa ra được một mục tiêu chiến lược – dạng như năm ngoái họ cố chiếm bằng được thành phố Izyum để nằm mục tiêu lớn hơn là tập hậu hai thành phố Slovyansk và Kramatorsk thì cũng là thiếu sót lớn. Họ có một mục tiêu khác, tính quân sự của nó thấp nhưng nó lại có tính chính trị cao.

Cho đến thời điểm này – khi cuộc chiến đã kéo hơn 1 năm và sau các sự kiện có thể nói rằng, sự kiện nào cũng có những tác động có tính bước ngoặt: bắn chìm #Tuần_dương_hạm_Moskva, giải phóng đảo Rắn, bắn què một bên cầu Kerch, đó là còn chưa tính đến vụ bắn giàn khoan được dùng như một cứ điểm phòng không trên biển… tất cả dẫn đến thắng lợi của bên Ukraine trong chiến dịch mùa thu giải phòng Kharkiv và sau đó gần 2 tháng, giải phóng Kherson. Trong khi đó, hai thành quả lớn nhất của Nga là chiếm Mariupol thì bằng lượng bom đạn cực lớn, coi như san bằng thành phố và nếu như có giữ được lâu dài cũng phải xây dựng lại hết hơi; chiếm thành phố Kherson khi mà đó là những ngày đầu tiên khó khăn nhất, người Ukraine phải căng mình ra giữ Kharkiv và đặc biệt là thủ đô Kyiv.

Điều quan trọng nhất của câu chuyện đó, không chỉ là những chiến quả của hai bên khi được so sánh với nhau, mà là quá trình phá hủy một cách có hệ thống toàn bộ sức mạnh của bộ máy quân sự Nga, dần dần về đến số 0. Quá trình này có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân quan trọng nhất là do người Ukraine đã quá rõ các đặc điểm của quân sự Nga, của nước Nga nói chung và đánh đúng các điểm yếu của họ. Hơn thế nữa, đó là một quá trình tự thua của người Nga vì những điểm yếu đó là không thể khắc phục được.

Sau này khi viết những tổng kết của cuộc chiến để đưa vào cuốn sách #Nước_Nga_Những_vấn_đề_địa_chính_trị_và_cuộc_chiến_tranh_ở_Ukraine, tui sẽ viết: hai tháng đầu của cuộc chiến, hay #The_Battle_of_Kyiv là hai tháng cực kỳ quan trọng, nó quyết định thất bại chắc chắn của người Nga không chỉ do kế hoạch tốc chiến tốc thắng thất bại, mà vì chỉ bằng vũ khí của mình còn lại từ thời Liên Xô, người Ukraine đã phá hủy lực lượng mạnh nhất của người Nga, cả về nhân lực lẫn khí tài. Nếu tính con số có thể chỉ là 30 – 40% số nhân lực, xe tăng, máy bay… so với toàn bộ cuộc chiến, nhưng thực tế đó là những đơn vị tinh nhuệ nhất.

Quay lại với người Nga – Putox đang đứng trước thất bại chắc chắn và hiện nay lão ta đang gặp phải những sức ép lớn. Sức ép phải rút khỏi cuộc chiến là chắc chắn, nhưng rút bằng cách nào lại là câu hỏi rất rất lớn. Rút không kèn không trống, không phải là lựa chọn của Putox. Vì vậy có một sức ép khác từ chính Putox và giới diều hâu Nga: tổng động viên thêm một đợt nữa, và đợt này là công khai, nghênh ngang để làm. Đẹp nhất, là đợt 9/5 năm nay để chuẩn bị cho chiến dịch mùa hè.

Như trước đây tui đã dự đoán, việc Nga phục hồi được nền kinh tế sản xuất, chưa nói đến phục vụ thời chiến, chỉ cần phục vụ cho cuộc sống hòa bình bình thường trong điều kiện lệnh cấm vận và trừng phạt trong năm 2023 này là không thể. Điều này đã thành sự thật. Vì vậy, Putox cần sự hỗ trợ của #ông_Tập C.ận B.ình. Vì vậy, chuyến đi được Putox mong đợi của #ông_Tập C.ận B.ình sang Mátxcơva có thể sẽ vẫn diễn ra trong một vài tuần tới. Sau đó vẫn có thể có hỗ trợ của Trung Quốc cho Nga, câu chuyện sẽ là ở mức độ nào thôi – vì để huy động thêm 200.000 – 300.000 quân cũng sẽ là những lượng vật chất khổng lồ cần chuẩn bị.

Vì vậy, Putox cần một cái cớ, một cú huých, hay bất cứ cái gì có thể đặt tên được, để tạo thêm động lực. Hắn ta muốn chứng minh cho dân chúng trong nước rằng: với những hỗ trợ hiện nay cho Ukraine từ phương Tây, Nga vẫn có thể thắng được và đó là Bakhmut. Vì vậy mà chúng vẫn tăng cường đưa tin giả, về những lực lượng đông đảo của người Ukraine tung thêm vào cùng các khí tài hiện đại. Đó là lý do tại sao mà quân Nga ở Bakhmut gặp rất nhiều khó khăn nhưng vẫn có thể chiến thắng. Dạng tin giả này đầy nhóc như một bãi rác trên mạng xã hội và không phải ai cũng đủ khả năng phân biệt.

– Hạng người thứ nhất, mấy ông Pro-Putox, như thằng Châu Nhuận Phát phiên bản lỗi kiêm #dịch_giả_Lolita nó vồ lấy, chứng minh rằng quân Ukraine đang hao tổn gấp mấy chục lần quân Nga thân yêu của nó ở Bakhmut, và đến nay tổng số họ đã mất 250.000 quân, nghĩa là mất gấp rưỡi đến gấp đôi toàn bộ quân đội Ukraine có trước chiến tranh.

– Kiểu người thứ hai, ủng hộ Ukraine nhưng tự diễn biến, muốn nâng chất lượng bài viết nhưng không đủ trình độ để phân biệt cái gì hợp lý, cái gì không, cài nào là thật và cái nào là giả. Khi không đủ trình độ mà cố tìm các tin tức theo chiều khác để tỏ vẻ khách quan, dẫn đến tác hại còn hơn so với hạng người thứ nhất. Khi người ta đang tin tưởng vào mình mà mình làm cái hành động, nói thẳng ra là “giở trò” – thì tác hại còn lớn hơn so với Pro-Putox.

Vì vậy, nếu xét về mục tiêu chính trị mà nói thì giữ được Bakhmut dù chỉ là một đống gạch, thì kế hoạch chứng minh với dân chúng trong nước rằng Nga vẫn có thể có được chiến thắng và từ đó, tổng động viên tiếp đợt nữa, coi như còn lâu mới đến. Kế hoạch sẽ có cách tiếp cận cụ thể là, nếu huy động được lực lượng đầy đủ, sẽ cố gắng chiếm nốt hai thành phố Slovyansk và Kramatorsk còn tất cả các hướng khác sẽ chuyển sang phòng ngự, giữ đất. Như thế đủ được coi là chiến thắng của Putox. Còn nếu không đủ sức, thì giữ ở hiện trạng lúc này cũng được, nghĩa là dừng ở Bakhmut. Nhưng kiểu gì thì cũng phải động viên thêm quân và dựa vào Trung Quốc để trang bị cho số quân đó. Nếu không thì không giữ được.

Đây chính là điểm có thể, gây ra tranh cãi (nếu có) giữa Zelenskyi với các tướng lĩnh của mình. Một năm chiến tranh cho chúng ta thấy ông Zelenskyi là người lão luyện về chính trị, chứ không phải tay mơ. Còn trên góc độ của nhà quân sự, thì việc bỏ Bakhmut lên cố thủ ở trên các dãy đồi là hợp lý hơn.

Từ các phân tích trên, chúng ta có thể nhận thấy, cả hai bên đều có những khó khăn rất lớn trong trận đánh #The_Battle_of_Bakhmut này.

II – Các khó khăn

  1. Ukraine.

–  Khó khăn lớn nhất với người Ukraine là làm sao giữ được thị xã với lực lượng tối thiểu, và giữ được nguyên lực lượng dự bị chiến lược cho các kế hoạch lớn hơn. Đó là cách tư duy thông thường mà người có trí lực trung bình cũng có thể nhận ra được.

Vậy người Ukraine có thực hiện vậy không? Họ quá bí mật để chúng ta đưa ra một #đoán_mò ngày 11/3, Tư lệnh lục quân Ukraine ông Sirsky đến Bakhmut, như vậy chúng ta có thể đưa ra những đoán định rằng ông đến hoặc mang thêm tiếp viện, hoặc bàn kế hoạch rút khỏi thị xã. Nhưng đồng thời mạng xã hội Nga cùng một số thành viên của vài diễn đàn online cũng của người Nga, người ta bàn tán về việc có MỘT TIỂU ĐOÀN của Ukraine được đưa đến Kramatorsk và sau đó được ông Sirsky đưa vào trận.

Đi theo những thông tin này là những đánh giá trái ngược nhau, nhưng tui đặc biệt chú ý đến những ý kiến có thể nói rằng rất tỉnh táo và có trình độ: những ý kiến cho rằng “đưa đến một tiểu đoàn mới là đáng sợ” (một tiểu đoàn là quá ít so với lực lượng Nga đang dùng để tấn công ở đây). Điều đáng sợ là nó vẫn đang thể hiện cách tiếp cận của người Ukraine: sử dụng lực lượng tối thiểu và không đụng đến lực lượng dự bị chiến lược. Trong khi đó Nga dùng lực lượng lớn nhất của mình, huy động bằng hết… mà vẫn không có được chiến thắng.

– Thứ hai, về chiến thuật. Người Nga do thay đổi chiến thuật phân tán kho đạn dược phục vụ trực tiếp cho chiến trường, do vậy thiệt hại do “HIMARS đánh kho” giảm đi. Đồng thời người Nga vẫn dựa trên lực lượng chủ yếu là pháo binh có thể tự hành (các mẫu pháo tự hành 122mm và 152mm, đặc biệt là dựa trên số lượng khá lớn các giàn phóng pháo phản lực phòng loạt, chủ yếu là BM-21 “Grad.”) do vậy khả năng phản pháo của người Ukraine với pháo binh Nga, nhìn chung không có hoặc không đáng kể. Điều này đẩy một số chuyên gia quân sự phương Tây vào tình thế… dở hơi khi trước đây họ đã phê phán: người Ukraine không dùng pháo để phản pháo mà dùng để… chống bộ binh.

Mặc dù phân tích những khó khăn trên đây, nhưng cá nhân tui vẫn cho rằng thời gian qua với người Ukraine như thế là rất thành công, không cần phải tính đến kết quả tổn hao binh lực của địch, mà chỉ cần tính đến hiệu quả của việc vận hành trận đánh như vậy cũng đã là quá thành công rồi.

– Thứ ba, khó khăn về tinh thần. Như trên đây tui đã phân tích, khi cả hai cách tiếp cận về cả chính trị lẫn quân sự đều hợp lý, sẽ dẫn đến xung đột và chắc chắn là sẽ có tác động không nhỏ đến tâm lý chung. Hàng vạn người lính cũng phải có vài trăm người lung lay ý chí. Tâm lý này lan sang cả những blogger người Ukraine làm cho họ có nhiều post thực sự bi quan. Để hiểu được tình thế, hoàn toàn không đơn giản. Cá nhân tui đánh giá tổng thống Zelenskyi phải nói là có tinh thần, ý chí bằng thép. Pavel Korchagin gọi bằng cụ.

  1. Nga. Đến đây chúng ta sẽ đi đến những lý giải: tại sao người Nga vẫn không thành công nổi ở Bakhmut, dù đã dùng đến quân đổ bộ đường không (VDV) và tiêu tốn vào đây đến 50.000 gì đó chỉ trong vòng khoảng 2 tháng.

Cần quay lại với một số vấn đề tui đã đề câp trước đây.

– Thứ nhất, mô hình BTG đã bị phá sản, Nga buộc phải quay lại với những mô hình truyền thống Xô-viết.

– Thứ hai, những đơn vị tinh nhuệ nhất của Nga đã không còn nữa, bây giờ ra chiến trường là những đơn vị có năng lực chiến đấu rất thấp. Ngoài ra việc thiếu hụt cấp chỉ huy sơ cấp (cấp trung đội trở lên do không đào tạo kịp) cũng là vấn đề nghiêm trọng.

– Thứ ba, tình trạng thiếu đạn pháo, nôm na là suy giảm hỏa lực hỗ trợ diễn ra một cách có hệ thống, đều đặn; nó hoàn toàn không như một số bác tay mơ nhìn vớ vẩn và cho rằng “pháo Nga không giảm” – như trước đây có bác sau khi đọc tui viết là họ hết đạn pháo, thì chê bai là “nó vẫn bắn ầm ầm.” Hết vẫn hết, và bắn ầm ầm vẫn bắn ầm ầm. Người hiểu thì biết: hết vẫn là hết. Về lý thuyết, anh có thể cắn quả chuối đến chỗ gần gần cái vỏ được bóc, chứ không thể cắn vào cả cái vỏ, đây còn cắn bố nó cả vào tay.

Vậy bắn ầm ầm như thế nào?

Theo điều lệnh chiến đấu của quân đội Xô-viết bản 1983, mục 9-7, về pháo binh được quy định:

“Hỏa lực trong chiến dịch tấn công được đặc trưng bởi tính bất ngờ và mật độ hỏa lực cao vào mục tiêu. Một số khẩu đội hoặc tiểu đoàn sẽ được chỉ định bắn vào một (số) mục tiêu riêng lẻ nhất định. Các cuộc tấn công hỏa lực tạo thành các yếu tố chính của việc pháo binh bắn chuẩn bị cho một chiến dịch hoặc trận đánh tấn công. Tất cả (hoặc ít nhất là lực lượng chủ yếu) pháo binh của một sư đoàn hoặc quân đoàn tiến hành các cuộc tấn công này đồng thời vào một nhóm lớn các mục tiêu. Các mục tiêu có thể bị tiêu diệt hoặc vô hiệu hóa bởi các cuộc tấn công bằng hỏa lực.

Số lượng đạn được phân bổ để trấn áp / tiêu diệt hệ thống mục tiêu và thời gian cần thiết để pháo có sẵn sử dụng hết số đạn được phân bổ. Thời gian tấn công hỏa lực được xác định bởi tình huống chiến thuật và tốc độ bắn tối đa của vũ khí thực hiện nhiệm vụ.

Theo những kinh nghiệm của quân đội Xô-viết trong Thế chiến thứ hai chỉ ra rằng một cuộc tấn công bằng hỏa lực sẽ không kéo dài quá 15 đến 20 phút. Một cuộc tấn công bằng hỏa lực trong một khoảng thời gian nhất định thường bắt đầu bằng hỏa lực nhanh (2 đến 4 phát mỗi phút cho mỗi vũ khí) và tiếp tục bằng hỏa lực có hệ thống với tốc độ sẽ sử dụng lượng đạn được phân bổ trong thời gian quy định cho nhiệm vụ.

Mục tiêu phải bị tiêu diệt trong thời gian ngắn nhất có thể, thời gian của tấn công hỏa lực không cố định và nhiệm vụ được tiến hành với tốc độ bắn nhanh cho đến khi hết số lượng đạn được phân bổ. Một cuộc tấn công bằng hỏa lực cũng được bắn với tốc độ bắn nhanh khi mục tiêu bị tiêu diệt thay vì bị triệt tiêu và khi mục tiêu đang di chuyển hoặc mục tiêu được triển khai ngoài trời cũng sẽ cần bị tiêu diệt. Trong khoảng thời gian giữa các lần tấn công bằng hỏa lực, hoạt động kiểm soát hỏa lực cũng có thể được sử dụng để tiếp tục tiêu diệt các mục tiêu.”

Theo tiêu chuẩn của quân đội Xô-viết, trong các chiến dịch tấn công thời sau chiến tranh Vệ quốc, số pháo binh và súng cối trên một ki-lô-mét chính diện mặt trận được nâng lên 200 khẩu đến hơn nữa.

Trong những ngày qua, theo thông tin công khai được báo chí phương Tây đưa, mỗi ngày quân Nga bắn từ 22.000 đến 25.000 quả đạn pháo trên toàn bộ mặt trận. Chẳng hạn theo bản tin của BTTM Ukraine hôm qua, người Nga cả tấn công, cả pháo kích có đến 20 điểm dân cư trên toàn mặt trận, nếu giả định Bakhmut là trọng tâm thì có thể lượng đạn được phân bổ có đến già nửa thậm chí, 2/3 cơ số đạn trên toàn mặt trận.

Nếu như các bác bằng lòng với con số 15.000 quả đạn cho Bakhmut trong 1 ngày, thì tính toán một cách thô thiển nó sẽ là diện tích của người Ukraine vẫn đang giữ trong thị xã và một số vùng ngoại vi rơi vào cỡ khoảng 30 ki-lô-mét vuông, là tròn 500 quả đạn trên 1 ki-lô-mét vuông. Nếu “ngày tấn công” của người Nga là 10 giờ đồng hồ, thì mỗi giờ một ki-lô-mét vuông được phân bổ 50 quả đạn và như thế, mỗi phút chưa được 1 quả. Tất nhiên người ta không bắn cầm canh rải đều như thế, mà người ta sẽ bắn cấp tập dồn vào trong 15 phút như trong điều lệnh quy định trên đây.

Đồng thời căn cứ vào những bức ảnh được chia sẻ trên mạng, chúng ta có thể thấy chiều rộng mũi đột phá của người Nga ở Bakhmut vào cỡ khoảng 200 – 300 mét. Như vậy mật độ pháo bắn chuẩn bị sẽ tăng lên được khoảng 3 đến 5 lần, nhưng vẫn phải đảm bảo độ sâu của đợt pháo bắn đến cỡ 1 ki-lô-mét, vì cũng theo điều lệnh trên đây quy định thì cho pháo tiểu đoàn khoảng cách chuyển làn đã là 400 mét, 2 lần chuyển làn như thế được 1 ki-lô-mét rồi.

Thực tế, để bắn chuẩn bị cho 15 phút với một ki-lô-mét chính diện mặt trận, tiêu chuẩn của quân đội Nga sử dụng khoảng 12.000 đến 15.000 quả đạn pháo và súng cối các loại. Như vậy để áp dụng hỏa lực hỗ trợ với 15.000 quả đạn pháo phân bổ, quân Nga chỉ đủ bắn được 1 đợt 15 phút cho 5 mũi tấn công có chiều rộng đột phá 200 mét, sau đó nếu quân Ukraine ẩn nấp được và chống trả, lại phải tấn công lại thì không còn đạn để bắn nữa và phải dùng sức người. Còn nếu bắn tiếp, thì cứ thế mà nhân lên. Nếu như 1 ngày họ tổ chức tấn công 5 mũi, mỗi mũi 10 đợt là tổng cộng 50 đợt, sẽ cần lượng đạn pháo là 150.000 quả.

Nôm na là, họ chỉ đủ đáp ứng được 10% nhu cầu theo đúng quy định của điều lệnh chiến đấu thôi.

Đến đây, có lẽ chúng ta tạm dừng câu chuyện và tất cả đều sẽ hiểu: #The_Battle_of_Bakhmut sẽ dừng khi có điều kiện của nó, chẳng hạn nó sẽ bị bỏ lại là tình huống xấu nhất, nhưng cũng có thể nó được giải vây bằng 1 cú đấm nào đó của quân Ukraine, mà muốn như vậy thì chắc chắn là cú đấm đó không được phép quá muộn. Xin các bác xem hai tấm 1 ảnh thành phố Bakhmut ngày hôm kia, và 1 bản đồ ngày hôm qua. Vẫn vậy thôi.

Kreminna trong trường hợp này là một lựa chọn không tồi. Thậm chí một số mục tiêu xung quanh thành phố Donetsk, hoặc giả ngay chính thành phố đó cũng rất có thể sẽ được chọn. Hoặc Rubizhne và từ đó là cặp hai thành phố Lysychansk và Serevodonetsk.

P/S. Bài định để mai nhưng gia đình có việc cực kỳ đột xuất, mai tui không post được nên cố viết và post muộn, xin được thông cảm.

Phúc Lai

Nguồn: https://www.facebook.com/phuc.lai.07/posts/pfbid02TB8sRLn3UdDxSvjYzKr3LvsWFCWe7jNy8rci4YegzV6zXuQzqBA1Y9mV

Share this:

Like this:

Like Loading...
%d bloggers like this: