Năm điều mà phụ huynh tuyệt đối không được quyền lấy câu: “Con nít còn nhỏ, có biết gì đâu!” để bào chữa khi con mình phạm phải.
Nếu thường xuyên theo dõi những bài viết liên quan đến giáo dục con cái của tôi trên trang cá nhân cũng như trong cuốn “Làm cha làm mẹ – Nội lực bình an cho con”, các bạn có lẽ sẽ hiểu được sự nhất quán về tư tưởng trong việc dạy con của tôi. Đó là “trẻ em được quyền phạm sai lầm và việc cấm đoán cực đoan trẻ em phạm sai lầm khi còn nhỏ sẽ dẫn tới việc chúng phạm phải những sai lầm nghiêm trọng hơn khi lớn.” Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc phụ huynh hoàn toàn làm ngơ trước những sai trái nghiêm trọng có ảnh hưởng lớn tới sự phát triển nhân cách của con cái và coi đó như là chuyện nhỏ mà không dạy dỗ con triệt để.
Trong tiếng Anh có đến 2 từ khác nhau để chỉ một lỗi lầm. Để chỉ một lỗi lầm do vô ý phạm phải, người Anh dùng từ “mistake” với hàm ý rằng lỗi lầm này gây ra do một sự nhầm lẫn không cố tình. Nhưng đối với những lỗi mà người phạm phải hoàn toàn ý thức được mức độ nghiêm trọng của nó hoặc do sự vô trách nhiệm của bản thân gây ra thì lỗi đó gọi là “fault” chứ không còn là “mistake”. Đối với “mistake” thì cần có sự giảng giải, hướng dẫn và tha thứ để người phạm lỗi rút kinh nghiệm mà sửa chữa, nhưng đối với “fault” thì cần phải có sự trừng phạt nghiêm khắc vì “fault” được gây ra hoàn toàn nằm trong sự kiểm soát của người phạm lỗi. Sau đây là 5 “fault” mà cha mẹ vì bất kỳ lý do gì cũng không được dùng câu “Con tôi còn nhỏ chưa biết gì” để biện hộ mà phải dạy dỗ lại con mình cho tử tế, hay đúng hơn là kiểm điểm lại cách làm cha làm mẹ của mình một cách nghiêm túc.
1- Con cái của bạn không biết tôn trọng sự riêng tư của người khác: Rất nhiều phụ huynh không hề dạy con cái tôn trọng sự riêng tư và đồ đạc cá nhân của người khác dẫn đến việc con cái của họ khi đến nhà người lạ hoặc những chỗ công cộng thì coi đó như nhà của mình bắt đầu la hét chạy giỡn leo lên giường lên ghế người khác mà giậm, thậm chí lục lọi đồ đạc cá nhân của người khác để làm đồ chơi của mình. Đã có những quán café công khai đăng bảng không phụ vụ phụ huynh dẫn theo trẻ em dưới 12 tuổi vì những đứa trẻ này chạy giỡn ồn ào làm ảnh hưởng đến những khách uống café khác trong quán. Có trường hợp một bạn trẻ mang laptop đến quán café làm việc bị một đứa trẻ đi theo cha mẹ bàn kế bên chơi giỡn làm đổ ly nước vào cháy cả máy tính cá nhân. Khi nhận được hóa đơn thanh toán sửa máy của bạn trẻ đó, có lẽ vì thấy số tiền phải đền quá “chát” nên phụ huynh của đứa trẻ này trở mặt bảo rằng cậu bạn kia muốn tống tiền họ và bảo vệ con mình bằng luận điệu “con nít chạy giỡn là chuyện thường tình, đồ của mình thì mình phải biết giữ”. Không cần nói nhiều, tôi cũng có thể đoán được nhân cách của phụ huynh đứa trẻ này là người như thế nào. Vì vậy, ngay từ khi con bạn bắt đầu biết nhận thức, hãy dạy cho con bạn tôn trọng sự riêng tư và đồ vật cá nhân của người khác như không được làm ồn làm phiền người khác, không được tự tiện lấy đồ của người khác mà không xin phép, không được tự tiện nhìn vào điện thoại hoặc màn hình máy tính của ba mẹ hoặc người lớn…
2- Con cái bạn liên tục nói dối: Nói dối là bản năng của con người và thật lòng mà nói, chúng ta sẽ không bao giờ có thể tìm được một đứa trẻ, cho dù là ngoan cách mấy, chưa hề nói dối. Tuy nhiên, việc nói dối có bài bản, có hệ thống và thường xuyên của một đứa trẻ khi phạm sai lầm nói lên hai vấn đề trong cách giáo dục con cái của phụ huynh. Điều đầu tiên đó là cách nuôi dạy đứa trẻ này đang nhận được quá khắt khe và thiên về những hình phạt nặng vì thế đứa trẻ sẽ xây dựng cơ chế nói dối để tránh bị phạt và ngày càng nói dối tinh vi hơn. Khả năng thứ hai là đứa trẻ này lớn lên trong một môi trường mà chính phụ huynh của bé luôn nói dối với con và nói dối với nhau trước mặt con cái. Sống trong một môi trường đầy sự dối trá từ những người lớn, đứa trẻ sẽ vô thức nhận định rằng nói dối mới là cách sống đúng đắn và từ đó học theo và hình thành thói quen nói dối. Hãy nhớ rằng bạn không thể cấm con bạn nói dối bạn khi bạn là người thường xuyên nói dối.
3- Con bạn có thói quen ăn cắp vặt: Việc con bạn mang về nhà hoặc giấu trong cặp những món đồ lạ bạn chưa từng mua cho bé hoàn toàn không phải là một điều nhỏ nhặt có thể bỏ qua dễ dàng. Người xưa có câu “ăn cắp quen tay, ngủ ngày quen mắt”. Việc “cầm nhầm” những món đồ không có giá trị một cách thường xuyên sẽ dẫn tới việc trộm cắp những thứ đắt tiền và đến một lúc nào đó sẽ trở thành trộm cắp chuyên nghiệp. Nếu phát hiện con bạn mang về một món đồ lạ, dù chỉ là một cục gôm hay cây bút chì, hãy hỏi con bạn cho rõ ràng nguồn gốc của món đồ ấy và xác minh cẩn thận. Nếu thực sự con bạn vì bất cứ lý do gì cầm nhầm của bạn, hãy bắt con bạn trả lại đồ cho người bị mất kèm theo lời xin lỗi công khai. Tuyệt đối không được dung túng cho bé đối với hành vi sai trái này.
4- Con bạn hành hạ động vật: Cộng đồng cư dân mạng yêu động vật mấy hôm nay đang rất bức xúc với clip hai đứa trẻ đến chúc tết nhà người khác đã dẫm đạp con mèo khiến con vật bị thương nặng gần chết và đã thế còn biết kéo con mèo đi giấu. Hầu hết trẻ em đều có sự tò mò nhất định về các loài vật và đôi khi những hành động khám phá của chúng có thể vô tình làm đau hoặc tổn thương tới cái loài vật nhỏ. Nhưng hành động của hai đứa trẻ trong clip hành hạ mèo nói trên không thể xem là một hành động vô tình của trẻ con mà là một hành vi hoàn toàn xuất phát từ ác tâm và có tính toán (biết kéo xác con mèo đi giấu). Có khả năng rất lớn là những đứa trẻ này đã nhiều lần hành hạ đến chết những con vật nhỏ khác có hoặc không có sự chứng kiến của cha mẹ chúng và đều được bỏ qua. Việc không biết trân trọng một sinh mạng là mầm mống của cái ác, và không thể bào chữa bằng bất cứ lý do gì vì nếu còn nhỏ những đứa trẻ này có thể giết chó, mèo thì khi lớn lên việc giết người là chuyện không hề khó khăn đối với chúng.
5- Con bạn bạo hành bạn học: Việc trẻ con đi học xảy ra xích mích mâu thuẫn thậm chí là đánh nhau là việc khó tránh khỏi. Nhưng chúng ta cần phân biệt rõ ràng việc đôi lúc xô đẩy đánh nhau vì sự bức xúc bộc phát với việc thường xuyên tổ chức đánh đập bắt nạt bạn bè cùng lớp. Những đứa trẻ đánh nhau vì nóng giận nhất thời sẽ rất dễ chùn tay khi thấy bạn mình trúng đòn đau và thường có biểu hiện ăn năn hối hận vì đã đánh bạn. Nhưng những đứa trẻ thường xuyên tổ chức đánh bạn thì khác hoàn toàn. Chúng hung hăng, táo tợn, đánh rất hăng và ra đòn rất hiểm. Ngay cả khi nạn nhân của chúng khóc lóc van xin thì bọn chúng vẫn không hề dừng tay. Đi kèm với việc đánh bạn thường là những hành động bêu xấu hạ nhục đối phương như xé sách vở, lột quần áo và quay video tung lên mạng. Những đứa trẻ có những hành động như thế phần lớn đều đến từ những gia đình dạy dỗ con cái bằng bạo lực hoặc cha mẹ hoàn toàn không chăm lo gì cho con mình. Nếu thấy con bạn tham gia vào những trò bạo hành bạn học cho dù bất cứ ở vai trò gì, phụ huynh phải ra tay ngăn chặn một cách kiên quyết thậm chí có thể dùng tới những biện pháp như chuyển trường cho con bạn nếu cần thiết. Cũng như việc bạo hành động vật ở trên, việc hành hung người khác không thể xem là một hành động vô thức và nếu được dung túng sẽ có khả năng tạo ra những kẻ sát nhân sau này.
Viên Huỳnh