Thực tế lịch sử đã chứng minh rằng bất cứ một quốc gia nào tham gia chiến tranh, cũng đều phải có được một nền tài chính vững chắc và ổn định. Nền tài chính này phải được hoạt động một cách những những bình thường mà còn phải tiếp tục duy trì hiệu quả của nó được ít nhất được một phần đáng kể so với thời bình. Muốn được như vậy, quốc gia đó phải có được một liên minh.
Tại sao phải có liên minh? Vì chiến tranh chắc chắn sẽ làm suy giảm thu nhập quốc gia ở cả hai chỉ số GDP và GNP, do đó cả trên bình diện quốc gia lẫn ở mức độ các doanh nghiệp của quốc gia ấy, đều phải duy trì được những mối quan hệ tín dụng lành mạnh, nôm na là tiếp tục tiếp cận được các khoản vay.
Điều này đã luôn luôn đúng trong lịch sử chiến tranh từ vài trăm năm trước. Chẳng hạn Paul Kenedy đã viết khi “các cuộc chiến liên minh đã kéo dài thời hạn của chúng, vì nếu nguồn lực của một bên tham chiến đang cạn kiệt, họ sẽ tìm đến một đồng minh mạnh mẽ hơn để vay mượn và tìm tiếp viện nhằm duy trì cuộc chiến. Trước những xung đột tốn kém và mệt mỏi như thế, điều mà mỗi bên hết sức mong mỏi là, mượn một câu cách ngôn cũ: “tiền, tiền, và nhiều tiền hơn nữa.” Chính nhu cầu này đã hình thành nền tảng cho thứ gọi là “cuộc cách mạng tài chính” vào cuối thế kỷ 17 và đầu thế kỷ 18, khi một số quốc gia Tây Âu phát triển một hệ thống ngân hàng và tín dụng tương đối phức tạp để chi trả phí tổn chiến tranh của mình.”
(“Sự trỗi dậy và suy tàn của các cường quốc”, Paul Kenedy – NXB Thế giới 2022)
Ngay khi cuộc chiến nổ ra được vài ngày, phương Tây đã có một động thái là cắt rời hệ thống ngân hàng Nga ra khỏi SWIFT, nhưng đó mới chỉ là một bước đầu tiên khá kỹ thuật. Sau đó các động tác tiếp theo đã dần dần cắt rời các ngân hàng của nước ngày ra khỏi hệ thống tín dụng thế giới, đồng thời hậu quả tương tự cũng diễn ra với các doanh nghiệp Nga, khi họ không còn tiếp cận được với các khoản tín dụng cần cho hoạt động và đầu tư của mình nữa.
Với hầu hết những người bình thường như chúng ta, chẳng hạn như tôi là người không có chuyên môn về tài chính, thấy những việc đó có vẻ khá “giời ơi đất hỡi.” Tuy nhiên khi tham vấn những chuyên gia tài chính, thì không ai cho đó là trò đùa vô bổ cả. Tất cả họ đều nói: đó là những đòn nặng, và hậu quả sẽ thấy rõ sau khoảng nửa năm.
Đến hôm nay khi cuộc chiến tranh đã chuẩn bị được tròn 9 tháng (nếu 270 ngày thì đúng hôm nay, 21/11/2022) chúng ta đã nhìn thấy rõ tác động của những động thái trên, bất chấp những tuyên bố xanh rờn của cả giới chức chóp bu Nga và những fan hâm mộ Putin từ nước Việt Nam xa xôi: không sao cả, nước Nga có thể tự chủ được.
Chúng ta chỉ cần một ví dụ: muốn tiến hành một dự án mới để bán khí đốt cho Trung Quốc, trong đó có rất nhiều tua-bin bơm khí của… Siemens sản xuất, thậm chí là nhiều cái và số tiền phải bỏ ra không hề nhỏ. Chẳng ai đi mua cái đó bằng tiền túi, mà các lý thuyết tài chính đã chứng minh rằng đầu tư bằng tiền đi vay thì tốt hơn là bằng tiền túi, nên kiểu gì cũng phải đi tìm một nguồn tín dụng, chẳng hạn bảo đảm bằng chính cái tua-bin đó và ngân hàng hoặc một tổ chức tài chính sẽ thanh toán cái L/C đó giúp mình. Trong điều kiện hiện nay thì ngay cả tìm được một ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng của Trung Quốc sẵn sàng cho Nga vay khoản đó còn khó, đừng nói đến các ngân hàng của phương Tây. Mà kinh doanh thì ai cũng biết là lúc nào cũng thiếu tiền, chứ không phải chạy về nhà xin Ngân hàng trung ương hay Ngân khố quốc gia mà được.
Tình trạng khó khăn này chắc chắn sẽ có ở khu vực sản xuất công nghiệp, khi mà nền công nghiệp quốc phòng Nga bị bỏ bẵng khá nhiều năm trong phần lớn các lĩnh vực, đòi hỏi phải có một số dự án đầu tư mới. Ngoài việc nền tài chính bị cắt rời khỏi nền tài chính thế giới, còn là việc sản xuất công nghiệp Nga bị cấm vận về công nghệ, làm cho tình cảnh của họ coi như là không có lối thoát – vừa không được mua, vừa không được vay…
Khi cuộc chiến bắt đầu, các đường ống khí đốt của Nga vẫn bơm đều đều và đem lại cho nước này một khoản tài chính không nhỏ – nếu tôi nhớ không nhầm là 100 triệu đô-la Mỹ một ngày. Thời điểm đó, tổng thống Ukraine V. Zelensky đã kêu gọi phương Tây cấm vận dầu khí Nga ngay lập tức để họ mất đi nguồn tài chính này. Lời kêu gọi này không được đáp ứng, đem lại nhiều lời trách móc nhất là dành cho nước Đức, là nước bị cho là quá phụ thuộc vào khí đốt giá rẻ của Nga.
Điều không ngờ nhất là mặc dù không cần đến động thái đó, khoảng 7 đến 8 tháng sau khi súng nổ, nước Đức đã “cai khí đốt Nga” khá triệt để. Điều này cũng có căn cứ của nó. Cũng lại lịch sử đã chứng minh, chẳng hạn trong giai đoạn thế kỷ XVIII mặc dù còn lạc hậu về kinh tế và Chính phủ tương đối thiếu vốn, ảnh hưởng về sức mạnh của nước Nga Sa hoàng lên Châu Âu vẫn tăng lên đều đặn – vì nó còn yếu tố địa lý ảnh hưởng đến chiến lược quốc gia. Vì thế nếu cấm vận kỳ cùng ngay lập tức thì cũng có thể có kết quả, nhưng nó cũng lại có thể mang lại hậu quả nào đó chưa lường trước được.
Có vẻ như lúc đó nước Đức vẫn dự phòng khả năng chưa chắc đã ổn định được nguồn cung khí đốt, và cũng nhận được sự ngầm ủng hộ từ phía Hoa Kỳ về ý định này. Tuy nhiên đó là dự phòng, còn việc thực hiện mua trữ khí hóa lỏng thì họ vẫn tích cực thực hiện cho đến khi mọi thứ đã trở nên chắc chắn.
Cho đến thời điểm cuộc chiến được 270 ngày, khí đốt Nga không còn là vũ khí hiệu quả cũng như giá dầu mỏ thế giới được duy trì ở một mức khá thấp, và sẽ còn duy trì ở mức này đủ lâu với cuộc chiến… Đó đã là một đòn đánh mạnh giáng vào nền tài chính Nga. Lúc này nếu có mua được tên lửa và máy bay không người lái của Iran và Bắc Triều Tiên, thì Nga cũng chỉ có thể bỏ tiền trong kho dự trữ quốc gia ra để thanh toán. Đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng bê trễ của quân đội Nga trên chiến trường, vì mọi hoạt động chiến đấu hàng ngày đều liên quan đến tiền.
Như từ thời Frederick Đại đế và cả Napoleon đã thấm nhuần “Không tiền thì không làm được gì” (“Pas d’argent, pas de Suisses” – nghĩa đen là “không tiền bất thành Thụy Sĩ”). Khi thái tử nước Pháp Louis-Antoine, Công tước xứ Angoulême được một sĩ quân Cận vệ bẩm báo là “Thưa Đức ông, những người lính trả lời không có tiền thì không có Thụy Sĩ…”, ông này đã trả lời không do dự: “… chúng ta hãy bắn chúng để dạy chúng cách sống”. Câu chuyện đã hoàn toàn đúng với những người lính Nga trên chiến trường: chiến đấu mà thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu đạn và sắp tới thiếu cả phương tiện sưởi ấm. Lúc đó chỉ có súng máy của Vệ binh quốc gia quạt vào lưng, may ra mới bắt ép được họ chiến đấu.
Phúc Lai
Nguồn: https://www.facebook.com/phuc.lai.07/posts/pfbid032KptgP7TtmWSvKhWuVKequi2GiZ9tU6Urpv9nC4TErV